Theo quy định của Bộ Y tế, kể từ ngày 1-7-2011, các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước sẽ phải thực hiện thay đổi bảng kê chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân theo mẫu mới. Theo đó, mẫu mới của bảng kê chi phí khám chữa bệnh sẽ tổng hợp đầy đủ, cụ thể hơn chi phí khám, chữa bệnh của từng người bệnh và giúp họ cùng cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ được hoạt động kê đơn, giá thành của từng loại thuốc, giá các thủ thuật, phẫu thuật, xét nghiệm, chiếu chụp... trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Với bản kê này, người bệnh và thân nhân của họ sẽ được công khai về các loại dịch vụ y tế, số lượng dịch vụ đã sử dụng, đồng thời ký xác nhận những dịch vụ đã sử dụng. Đối với bệnh nhân ngoại trú được theo dõi cả quá trình điều trị bằng các thông tin như họ tên, địa chỉ, mã số thẻ BHYT và có những mục ghi mới như: đến bệnh viện khám lúc mấy giờ, có đúng tuyến hay không.
Cũng bắt đầu từ hôm nay, Luật An toàn thực phẩm sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đánh giá của Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm sẽ góp phần giải quyết được tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra lâu nay, tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực thực phẩm, nhằm bảo vệ tốt hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Luật An toàn thực phẩm quy định giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chỉ có thời hạn 3 năm, thay vì không có thời hạn như trước kia. Nguyên liệu để chế biến thức ăn phải đảm bảo an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn phải có dụng cụ che mưa nắng, che chắn bụi bẩn và côn trùng; thức ăn phải bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và mỹ quan đường phố...
Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả.
Nguồn Báo SGGP