Sau 2 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế: Nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ

Đến ngày 1/7/2011 là tròn 2 năm Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành, bước đầu Luật đã bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong việc triển khai Luật BHYT, gây khó khăn cho cả cơ sở y tế lẫn người tham gia BHYT.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết: Năm 2010 mới chỉ có 692.000 người trên tổng số khoảng 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy, số người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế mới chỉ chiếm 11,5 %, còn lại 88,5% người cận nghèo chưa được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ từ bảo hiểm y tế. Nguyên nhân do nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung bình xét và lập danh sách hộ nghèo.

Vẫn còn gần 2 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Nhóm đối tượng này đa số là người có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn cho nên không có khả năng tham gia bảo hiểm y tế mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm. Đặc biệt, có địa phương ngân sách hỗ trợ đến 80% như Bắc Ninh hay Dự án hỗ trợ thêm 30% kinh phí như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người dân chỉ phải đóng 20% nhưng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế vẫn ở mức thấp.

 

Sau 2 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn tồn tại những khó khăn và vướng mắc về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là đối tượng cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi còn rất chậm. Hiện nay vẫn còn gần 2 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, tình trạng trẻ em dưới 6 tuổi đi khám chữa bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, phải sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh còn khá phổ biến gây khó khăn trong việc quản lý thẻ, thanh quyết toán và quản lý quỹ của đối tượng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc cấp thẻ chưa đầy đủ cho đối tượng này là công tác bàn giao danh sách trẻ dưới 6 tuổi giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội còn chậm, chưa thống nhất quy trình cấp thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Luật Bảo hiểm y tế còn gặp một số vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế cho các trường hợp tai nạn giao thông; thực hiện cùng chi trả, nhất là với nhóm người nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, một số cán bộ hiểu không đúng tinh thần của Luật và các văn bản hướng dẫn gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện; người dân thiếu thông tin về những quy định mới của Luật, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.

Ðể nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT, trong thời gian tới, các ngành có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung mới của Luật BHYT đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, trên cơ sở đánh giá các quy định của Luật BHYT để có những đề xuất sửa đổi, bổ sung. Nghiên cứu, lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp. Tiếp tục hướng dẫn, giải quyết một số vướng mắc như: Ðăng ký khám chữa bệnh ban đầu; phát hành thẻ BHYT; thủ tục thanh toán đối với trường hợp tai nạn giao thông, một số quyền lợi của trẻ em dưới sáu tuổi... Ðồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT…

Với quyết tâm thực hiện nghiêm Luật BHYT, ngày BHYT Việt Nam năm nay (1/7) được lấy chủ đề hành động là “Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và trẻ em dưới sáu tuổi trong khám, chữa bệnh BHYT” nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội khắc phục khó khăn giúp người nghèo và trẻ em có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng những dịch vụ mà bảo hiểm y tế mang lại.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam