Dòng chảy của Nga sang châu Á vẽ lại bản đồ dầu mỏ thế giới

Bản đồ dầu mỏ toàn cầu đang được vẽ lại trong bối cảnh tác động lâu dài từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến dầu của Nga chảy về các nền kinh tế lớn của châu Á.

Theo thống kê của công ty tình báo dữ liệu Kpler, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ từ ba quốc gia là Nga, Iran và Venezuela trong tháng 4. Con số này tăng từ mức chỉ 12% vào tháng 2/2022, thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hoạt động xuất khẩu từ các nhà cung cấp truyền thống đang bị siết chặt. Dòng chảy đến Trung Quốc và Ấn Độ từ Tây Phi và Mỹ đã giảm lần lượt hơn 40% và 35%.

Cựu chuyên gia kinh tế Wang Nengquan tại tập đoàn năng lượng Sinochem, người đã làm việc trong ngành dầu mỏ hơn ba thập kỷ cho biết: “Rõ ràng khách hàng châu Á là những người chiến thắng ở đây vì được hưởng giá dầu rẻ”.

Ảnh minh họa: Economic Times

Theo ông Wang, trong những tháng gần đây, châu Á - dẫn đầu là Ấn Độ - đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Điều này về cơ bản đã giúp Moskva khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ trở lại bình thường.

Việc định hình lại bản đồ dầu mỏ cũng minh chứng cho dòng chảy trong thị trường hàng hóa quan trọng nhất thế giới, nơi nhu cầu toàn cầu đạt khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày, với sự tăng trưởng dẫn đầu là Ấn Độ và Trung Quốc.

Sau khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, các quốc gia phương Tây đã ngăn chặn dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga vào thị trường, đồng thời áp đặt cơ chế giá trần. Lệnh trừng phạt này được thiết kế như một biện pháp để hạn chế thu nhập của Điện Kremlin, đồng thời bảo đảm nguồn cung cho thị trường thế giới.

Nhóm chuyên gia Andreas Economou, Bassam Fattouh và Ahmed Mehdi viết trong một báo cáo của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford: “Ở châu Á, gần 90% hàng xuất khẩu của Nga hiện nay là dành cho Trung Quốc và Ấn Độ”.

Nhóm chuyên gia này cho hay trong khi Nga đã thành công trong việc chuyển hướng dòng chảy dầu mỏ, thì họ đã mất hầu hết khách hàng cũ.

Ấn Độ có nhu cầu lớn nhất đối với dầu thô của Nga, trong khi Trung Quốc cũng mua lượng lớn dầu của Nga kết hợp với duy trì mua dầu của Iran và Venezuela, đi kèm với chiết khấu cao. Mỹ từ lâu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu thô của hai quốc gia này.

Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang hoạt động như dự kiến, với xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 3 ở mức cao nhất kể từ đại dịch COVID-19, nhưng doanh thu lại giảm gần một nửa so với một năm trước đó.

Theo Bloomberg, bất chấp lệnh trừng phạt, EU vẫn đang cấp năng lượng cho nền kinh tế của liên minh này bằng dầu mỏ của Nga. Các quốc gia thành viên hiện được cho là đang mua nhiên liệu bị trừng phạt thông qua dòng chảy tái xuất khẩu từ Ấn Độ.

Trong năm 2022-2023, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua từ 970.000 - 981.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày, chiếm hơn 1/5 tổng lượng nhập khẩu của cả nước là 4,5 - 4,6 triệu thùng mỗi ngày.

Dữ liệu của Kpler và Vortexa cho thấy Ấn Độ không chỉ trở thành khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, mà New Delhi còn đang trên đường trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất cho châu Âu.

Các nhà máy chế biến của Ấn Độ đã nắm bắt cơ hội để mua dầu giá rẻ của Nga, biến nó thành nhiên liệu và bán lại cho EU với giá cạnh tranh.

Theo TTXVN/Báo Tin tức