Cần thêm giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước

Mới đây, Bộ Tài chính công bố, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 4 năm nay ước chỉ đạt 139,1 nghìn tỷ đồng (8,6% dự toán), bằng 82,4% mức thu bình quân quý I (thấp hơn khoảng 29,7 nghìn tỷ đồng). Lũy kế thu NSNN bốn tháng ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ năm trước.

Số thu sụt giảm là một tín hiệu rất đáng lo ngại, cần có thêm những giải pháp hiệu quả nhằm tăng thu, mới hy vọng về đích đúng hạn.

Thu ngân sách-nhiệm vụ căng thẳng

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù số thu nội địa bốn tháng đầu năm đạt khá so dự toán, nhưng số thu hằng tháng có xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 16,1%; tháng 2 đạt 7,1%; tháng 3 đạt 8,6%; ước thực hiện tháng 4 đạt 8,5% dự toán). Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại,... thì số thu nội địa bốn tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa bốn tháng đạt hơn 38% dự toán; 16 địa phương có số thu tăng trưởng so với cùng kỳ, trong khi 47 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ. Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 4 tiếp tục giảm sút; lũy kế kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thuế tính đến ngày 15/4/2023 đạt khoảng 35,4 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2022.

"Bên cạnh đó, trong tháng 4, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 4 khoảng 56,32 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 18,32 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 38 nghìn tỷ đồng). Ðiều này càng làm cho nhiệm vụ thu NSNN thêm phần căng thẳng", Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn nhận định.

Tổng cục Thuế triển khai đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thuế cơ sở.

Trước tình hình đó, ngay trong những tháng đầu năm 2023, bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới, Tổng cục Thuế đã phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN năm 2023.

Ðể thúc đẩy thu nội địa, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch hành động để triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế, giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin.

Ðặc biệt, Tổng cục xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử (HÐÐT) có mã xác thực của cơ quan thuế; HÐÐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; triển khai Cổng Thanh toán điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử; triển khai Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HÐÐT giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.

Với những giải pháp cụ thể đó, bốn tháng đầu năm, có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt hơn 38%); 13/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Chỉ có 7/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (thuế bảo vệ môi trường ước bằng 49,7%; lệ phí trước bạ ước bằng 78,7%; thu tiền sử dụng đất ước bằng 45,7%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 48,8%),...

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Ðặng Ngọc Minh, tính đến tháng 4, toàn ngành đã thực hiện được 9.753 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 12,2% kế hoạch năm và bằng 111,5% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra gần 103 nghìn hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 69,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 15.124 tỷ đồng, bằng 225,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.397 tỷ đồng.

Ðối với công tác quản lý nợ thuế, tổng số tiền thu nợ thuế của toàn ngành trong tháng bốn ước đạt 3.255 tỷ đồng, lũy kế bốn tháng đầu năm ước thu được 14.908 tỷ đồng. Ðây cũng là một giải pháp hữu hiệu trong khi số tiền thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ không còn khả năng thu theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội lũy kế 4 tháng đã ước đạt 36.868 tỷ đồng; số tiền hoàn thuế đạt 37.675 tỷ đồng (hoàn cho xuất khẩu 31.460 tỷ đồng; hoàn cho dự án đầu tư 6.076 tỷ đồng).

Xử lý cơ sở dữ liệu thuế hiện đại

Trong thời gian tới, Chính phủ dự kiến tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Ðể hoàn thành tiến độ thu NSNN, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Riêng việc triển khai HÐÐT, xác định đây là công cụ có ý nghĩa quan trọng đối với giải pháp thu NSNN cho nên ngành Tài chính đặc biệt quan tâm. Tới nay, đã có tổng số gần 3,7 tỷ HÐÐT được tiếp nhận và xử lý (hơn 1 tỷ HÐÐT có mã, hơn 946.300 HÐÐT không có mã, gần 1,65 tỷ HÐÐT không mã gửi bảng tổng hợp, 825 nghìn hóa đơn theo từng lần phát sinh).

Ðã có 13.621 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HÐÐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền và số lượng HÐÐT từ máy tính tiền đã tiếp nhận là 3.266.205 hóa đơn, và 27/63 Cục Thuế đã hoàn thành triển khai HÐÐT từ máy tính tiền là Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, An Giang, Bình Ðịnh, Bình Phước, Cần Thơ, Ðà Nẵng... Bên cạnh HÐÐT, ngành Thuế tập trung triển khai dịch vụ đăng ký, nộp thuế điện tử qua ứng dụng Etax Mobile. Hiện toàn quốc đã có 345.966 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng Etax Mobile với 276.652 giao dịch, với tổng số tiền đã nộp thành công 950 tỷ đồng.

Ngoài ra, để đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn, ngày 24/4 vừa qua Tổng cục Thuế đã chính thức đưa vào vận hành, triển khai "Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HÐÐT", theo đó cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HÐÐT, giúp ngăn ngừa, xử lý trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ và thuế, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Về quản lý thuế đối với thương mại điện tử, hiện đã có 52 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài với tổng số thu lũy kế đến nay đạt hơn 7.250 tỷ đồng (số thu trong năm 2023 là 3.772 tỷ đồng). Ðối với cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước, hiện đã có 304 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin qua cổng với 146.967 cá nhân và 31.635 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 50.216.889 lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 15.231 tỷ đồng,...

Theo Báo Nhân dân