Theo đánh giá của Sở Công Thương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chuỗi cung cầu, sản xuất tiêu thụ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, sau khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi động lại và dần hồi phục, việc đưa hàng hóa chiếm lĩnh thị trường nội địa được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nhiều hợp tác xã đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: Văn Nỷ
Nhằm phát huy thế mạnh thương hiệu OCOP, thúc đẩy sức mua, Sở Công Thương đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm. Qua đó, hỗ trợ các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản đặc thù, sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là với các thành phố lớn, thị trường tiềm năng như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên... Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối DN của tỉnh với hệ thống phân phối lớn, hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ như: Co.opMart, Winmart, Big C Go, Bách Hóa Xanh... Bên cạnh đó, hỗ trợ hình thành 6 điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh. Đến nay, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng như: Nho, táo, nha đam, măng tây, rong sụn, dê, cừu, nước mắm… Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng hóa của tỉnh, mà còn giúp DN ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để các DN đánh giá lại sản phẩm, khắc phục các hạn chế, hoàn thiện và phát huy các ưu điểm của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Là cơ sở cung cấp các mặt hàng đặc thù của tỉnh như: Nước mắm, mứt rong sụn, nho, táo sấy,… Cơ sở kinh doanh Thùy Trang, ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) xem việc tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường là “chìa khóa” quyết định sự phát triển của DN cũng như hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Chị Võ Thị Thùy Trang, chủ Cơ sở, chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia hội chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm là rất cần thiết, giúp DN gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin về sản phẩm. Cũng nhờ tham gia các hội chợ mà hiện nay sản phẩm của cơ sở chúng tôi được nhiều người biết đến và có cơ hội hợp tác với các đối tác phân phối sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị CoopMart Thanh Hà. Ảnh: V.Miên
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những bước đi quan trong nhằm đẩy mạnh quảng bá, kết nối đưa sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các hệ thống phân phối trên toàn quốc; việc tìm kiếm đối tác, trao đổi trên các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Alibaba.com... để tăng cường quảng bá sản phẩm, giúp giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu cũng được ngành Công Thương chú trọng. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường trong nước và ngoài nước cho các DN, hướng dẫn hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, tìm kiếm và mở rộng phát triển thị trường, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh bắt kịp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với những nỗ lực của ngành Công Thương trong hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần để năm 2022 kim ngạch xuất khẩu tỉnh đạt gần 130 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là thủy sản, nông sản như: Nhân điều, nha đam, chiếm khoảng 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Với hiệu quả từ thương mại điện tử mang lại, nhiều DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng các phần mềm quản lý chuyên dụng, bố trí cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ công do các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp để quảng bá hình ảnh, sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Đến nay, đã triển khai hỗ trợ 2 DN tham gia trên sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com, 3 đơn vị tham gia sàn Sendo, 34 sản phẩm tham gia sàn Postmart, 26 sản phẩm tham gia sàn Voso; hỗ trợ xây dựng 14 bộ thương hiệu trực tuyến gồm website, hệ thống Email, Fanpage trên Facebook, Landing page và 18 website thương mại điện tử cho các cơ sở, hợp tác xã, DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc thù của tỉnh thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hỗ trợ tỉnh hình thành sàn thương mại điện tử của tỉnh với tên miền sanphamninhthuan.com. Thông qua các hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng và DN, đồng thời góp phần quan trong vào việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.
Có thể thấy, xúc tiến thương mại là “đòn bẩy” để mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Từ đó, tạo động lực để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hồng Nguyệt