Lương Sơn: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thời gian qua, huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo xã Lương Sơn triển khai các mô hình hiệu quả. Qua đó, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, Đảng ủy xã Lương Sơn đã ban hành Chương trình hành động về tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của xã; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp CNC. Năm 2022, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xã triển khai mô hình trình diễn trồng dưa lưới trong nhà màng. Cùng với đó, chương trình xây dựng cánh đồng lớn cũng được quan tâm thực hiện. Xã duy trì mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm với diện tích khoảng 200 ha. Với những ưu điểm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, ổn định đầu ra sản phẩm, mô hình cánh đồng lớn đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng chú trọng áp dụng CNC vào sản xuất.

Mô hình trồng đậu phộng ở xã Lương Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất các loại cây trồng lợi thế theo quy mô hàng hóa. Thực hiện mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, có 24 hộ đăng ký tham gia, với diện tích trên 10 ha. Xã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng tổ chức tập huấn cho các hộ dân thôn Tân Lập 2 về quy trình sản xuất, thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất. Việc áp dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp không những góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân mà còn là bước khởi đầu để nâng cao giá trị nông sản, đưa nông sản của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP...

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao đã được bà con nông dân xã Lương Sơn áp dụng, tiêu biểu như mô hình trồng cây đậu phộng được nhân rộng trên quy mô lớn. Từ những vùng đất trồng lúa và đất trồng cây khác kém hiệu quả, các hộ đã chuyển sang trồng đậu phộng với diện tích khoảng 31 ha. So với một số loại cây trồng khác thì cây đậu phộng dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, trồng từ 3 - 4 tháng cho thu hoạch. Vụ đông - xuân 2022 - 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 2 máy gieo đậu phộng nên bà con giảm được lượng giống, công lao động và chủ động trong việc phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng. Nhờ vậy, đậu phộng đạt năng suất rất cao, khoảng 4,5 tấn/ha, với giá bán tươi giao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, hộ trồng thu lãi hơn 60 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng lúa.

Ngoài thu hoạch củ bán cho doanh nghiệp, nông dân còn tận dụng thân, lá, cây đậu phộng để làm thức ăn cho bò, dê rất tốt. Rễ cây sau thu hoạch để lại cho đất một lượng phân đạm khá lớn, góp phần cải tạo đất, giảm chi phí bón phân cho vụ sau. Với hiệu quả thiết thực, cây đậu phộng ngày càng có nhiều hộ nông dân ở xã Lương Sơn chọn trồng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Chính vì vậy, cây đậu phộng là một trong những cây trồng chủ lực ở địa phương, mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây khác, đóng góp tích cực cho việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, xã Lương Sơn đề nghị ngành chức năng hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất kết nối tiêu thụ nông sản; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tạo nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao.