Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đỗ Thức cho rằng kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Giá các hàng hoá chủ yếu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Một số nền kinh tế lớn mặc dù vừa được phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và bất ổn. Ở trong nước, lạm phát tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Những yếu tố bất lợi trên đã tác động mạnh đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư.
Trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp, các tập đoàn kinh tế và các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, sự nỗ lực khắc phục khó khăn và chủ động trong điều hành sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô.
Một số số liệu thống kê 6 tháng đầu năm đã được công bố tại buổi họp báo. Đó là:
Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm ước tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó quý I tăng 5,43%; quý II tăng 5,67%. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,08%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,49%, đóng góp 2,64 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 2,57 điểm phần trăm.
Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá, thì tăng 5,7%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp tăng 23,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,6%; dịch vụ tăng 22,3%; du lịch tăng 19,1%;…
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm theo giá thực tế ước tính đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (nếu ngoại trừ yếu tố tăng giá, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 chỉ bằng 92,1% so với cùng kỳ năm trước) và bằng 38,3% GDP, trong đó vốn khu vực nhà nước 141,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3%; vốn khu vực ngoài nhà nước 163 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 105,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 1,09% so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,79 % (lương thực tăng 0,33%; thực phẩm tăng 2,47%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,16%). Các nhóm hàng hoá và dịch vụ chủ yếu khác có mức tăng từ 0,3% đến 0,8%. Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Chỉ số tiêu dùng tháng 6 tăng 13,29% so với tháng 12/2010 và tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,03% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước 6 tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 50,4 triệu người, tăng 33,2 nghìn người so với lực lượng lao động trung bình của năm 2010. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm ước tính 2,58%, trong đó khu vực thành thị là 3,96%; khu vực nông thôn là 2,02%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính 3,9%, trong đó khu vực thành thị là 2,15% và khu vực nông thôn là 4,6%...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam