Ngành Giáo dục và Đào tạo: Qua 31 năm xây dựng và phát triển

Xác định rõ vai trò và sứ mệnh của mình, sau 48 năm quê hương, đất nước hòa bình, thống nhất và 31 năm tỉnh Ninh Thuận được tái lập, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà không ngừng nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Năm học đầu tiên 1975-1976, sau ngày giải phóng miền Nam, Ninh Thuận chỉ có khoảng 30.000 học sinh (HS) phổ thông, riêng hệ thống giáo dục mầm non (MN) hầu như không có. Thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4/1992), hệ thống GD&ĐT tỉnh ta tuy có bước phát triển so với trước, song nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn. Toàn tỉnh chỉ có 55 cơ sở giáo dục (CSGD) MN, 106 trường tiểu học (TH), 18 trường THCS, 5 trường THPT với khoảng 82.000 HS. Nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có trường lớp, tỷ lệ HS bỏ học còn cao.

Được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, đến nay, ngành GD&ĐT có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững. Mạng lưới, quy mô trường lớp được mở rộng, phủ kín từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến đầu năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 301 CSGD với hơn 148.000 HS và 9.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên. CSVC trường, lớp từng bước được chuẩn hóa, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong giai đoạn 2016-2020, Sở GD&ĐT được giao vốn thực hiện 17 công trình, với 134 phòng học được xây mới tập trung cho cấp học MN và TH tại các xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đến nay, 100% công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp các địa phương từng bước hoàn thiện mạng lưới trường lớp. Đáng ghi nhận hơn, trong điều kiện ngân sách nhà nước, của tỉnh còn hạn hẹp, ngành GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án một số chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa (XHH) hoạt động trong lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Thông qua công tác kêu gọi XHH, số vốn hỗ trợ, đầu tư cho các CSGD trên địa bàn tỉnh đạt 582,8 tỷ đồng;

Trường THPT Nguyễn Trãi vừa được đầu tư xây mới. Ảnh: Phan Bình

trong đó, thu hút các doanh nghiệp tham gia triển khai 11 dự án xây dựng trường học, với tổng vốn đăng ký trên 361 tỷ đồng; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tu sửa trường lớp, xây dựng phòng chức năng, nhà công vụ... đạt 221,5 tỷ đồng. Đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 148 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, có 24/88 trường MN, đạt 27,3% và 124/211 trường phổ thông, đạt 58,8%. Trên địa bàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường phổ thông dân tộc bán trú được Nhà nước thành lập dành cho con em các dân tộc thiểu số, gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thành lập đi vào hoạt động từ năm học 2008-2009 với nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Đối với công tác giáo dục HS khuyết tật, năm 2015, tỉnh thành lập đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, giúp trẻ khuyết tật được học văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, phục hồi chức năng và hướng nghiệp để có thể hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Giờ lên lớp của thầy và trò lớp 8/3 Trường THCS Trần Phú. Ảnh: Mỹ Dung

Cùng với hệ thống CSGD công lập, toàn tỉnh còn có 28 trường MN, phổ thông và khoảng 200 nhóm lớp MN ngoài công lập. Thông qua công tác XHH giáo dục, nhiều trường học được các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng CSVC khang trang, điển hình như: Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh (Thuận Nam) được Tập đoàn Trung Nam đầu tư xây dựng với kinh phí trên 66 tỷ đồng; Trường Mẫu giáo Nhơn Hải (Ninh Hải) được xây dựng 5 tỷ đồng từ tiền tài trợ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và 2 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của huyện Ninh Hải... Không chỉ đầu tư phát triển CSVC, việc đẩy mạnh XHH giáo dục còn giúp HS nghèo vươn lên trong học tập, thúc đẩy văn hóa đọc, trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học hiện đại phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đơn cử như năm học 2022-2023, Trường TH Bình Quý (Ninh Phước) được Công ty TNHH TMDV Tin học Long Bình (TP. Hồ Chí Minh) tài trợ 10 máy vi tính với tổng trị giá khoảng 130 triệu đồng, giúp HS lớp 3 có thiết bị học tập môn Tin học.

Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thực hiện tốt công tác
xã hội hóa giáo dục xây dựng Thư viện xanh và làm khu vui chơi ngoài trời cho học sinh.

Công tác xây dựng, phát triển, bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp được ngành GD&ĐT quan tâm, đảm bảo cơ bản về số lượng, chất lượng, có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ có nhiều khởi sắc; tình trạng HS lưu ban, bỏ học giảm dần. Hiện nay, toàn tỉnh có 100% huyện, thành phố được công nhận xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH và THCS. Trong những năm qua, tỉnh ta có nhiều thế hệ HS đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Tiêu biểu và gần đây có thể kể đến các em: Nguyễn Tấn Dũng, cựu HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn được Hội Vật lý Việt Nam lựa chọn là một trong 5 đại diện của Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm 2022; em Đổng Trọng Nghĩa, cựu HS Trường TH Mỹ Hương (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) xuất sắc vượt qua hơn 1.000 thí sinh đến từ 22 quốc gia trên thế giới để giành giải Nhì cuộc thi Toán trí tuệ quốc tế năm 2019 tại Thái Lan; 2 em Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên, cựu HS Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn) đoạt giải Nhất Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học, năm học 2018-2019 (khu vực phía Nam)... Tỉnh ta cũng có nhiều thế hệ HS đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh; có nhiều cán bộ, giáo viên được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng bằng khen...

Những nỗ lực và kết quả đạt được cho thấy quy mô, chất lượng giáo dục tỉnh ta đã và đang có nhiều khởi sắc. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.