Đại học Bách khoa Hà Nội mở Chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và Chuyên ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano từ năm 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn. Các chương trình này sẽ tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.
Nhiều trường đại học mở ngành Thiết kế vi mạch trong năm 2024.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao Trường Đại học Công nghệ triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/chip bán dẫn. Trường Đại học Công nghệ đã triển các chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch, với các chương trình đào tạo như: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính, Công nghệ Kỹ thuật Cơ Điện tử…
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở Chuyên ngành Vi mạch bán dẫn nằm trong ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, tập trung đào tạo về công nghệ bán dẫn, thiết kế hệ thống VLSI (VLSI design), đồ án thiết kế hệ thống số, thiết kế vi mạch số, thiết kế vi mạch tương tự, cơ sở công nghệ đóng gói và dải mạch.
Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chính thức tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch trong năm 2024 với 150 chỉ tiêu...
Trường Đại học CMC mở ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, với Thiết kế vi mạch là định hướng đào tạo chính. Trường đã thành lập một phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch (IC Design lab), với trang thiết bị do hãng Synopsys cung cấp bản quyền, phục vụ quá trình đào tạo.
Năm 2024, Trường Đại học CMC (mã trường CMC) tuyển sinh 1.350 chỉ tiêu cho 8 ngành đào tạo: Công nghệ Thông tin, Khoa học Máy tính, Công nghệ kỹ thuật Điện tử, Viễn thông, Quản trị Kinh doanh, Marketing, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Nhật, với 5 phương thức xét tuyển.
Theo TTXVN/Báo Tin tức