Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mà mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mà mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bồi đắp qua nhiều thế hệ

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt đã suy tôn các Vua Hùng là thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là di sản văn hóa thế giới

Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Các Vua Hùng được suy tôn chính là tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của các thế hệ người dân Việt Nam; là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh dân tộc Việt. Đây cũng là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình.

Đối với người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng.

Trên phương diện cộng đồng, xã hội, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hiểu như là một ký ức tập thể, kỷ niệm của nhân dân về quá khứ dân tộc, mang tính gắn kết cộng đồng cao. Nói cách khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, phù hộ, che chở của các đấng thần linh là tổ tiên, anh hùng dân tộc. Thông qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước, được nhân dân ghi nhận và tôn thờ. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.

Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam ai cũng luôn quan niệm rằng: Chúng ta là người được sinh ra cùng một bọc (đồng bào) là con cháu Lạc Hồng - dân cả nước đều là anh em một nhà. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết.

Chung một gốc gác tổ tiên và ngày Giỗ Tổ là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn. Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương là thời khắc đặc biệt để mỗi người mang trong mình dòng máu Việt cùng hướng về Đền Hùng linh thiêng, nơi phụng thờ công đức tổ tiên, biểu tượng tinh thần dân tộc.

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, dân tộc nào trên thế giới đều có nguồn cội của mình nhưng người Việt Nam khác các dân tộc khác ở chỗ cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Chính điều này tạo nên một bản sắc riêng có của Việt Nam, được UNESCO công nhận. Với Việt Nam, tín ngưỡng Hùng Vương là một biểu tượng của quốc gia.

Chúng ta luôn coi đó là vị tổ của dân tộc, là yếu tố đã gắn kết cộng đồng trên một không gian lãnh thổ để trở thành một cộng đồng có sức mạnh, tồn tại, phát triển và giữ vững được bản sắc văn hóa.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quan niệm về vua tổ Hùng Vương được sử sách ghi lại cả trăm năm và sinh hoạt tín ngưỡng ban đầu gắn chặt với các làng xã, đặc biệt là khu vực trung du Bắc Bộ: Đến Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, năm Bính Tý, lần đầu tiên Nhà nước đứng ra tổ chức cũng tại địa điểm ở Đông Dương học xá, người chủ lễ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử một vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước đứng ra làm chủ lễ.

“Cũng trong ngày đó thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ một người rất có uy tín trong dân, chính là cụ Huỳnh Thúc Kháng được đứng đầu một đoàn đại biểu Chính phủ lên đền Thượng ở Phú Thọ là để làm lễ cáo với trời đất, cáo với tổ tiên, cáo với Vua Hùng là đất nước đã độc lập và người ta kể lại đoàn đã mang theo một tấm bản đồ Việt Nam ba miền Trung - Nam - Bắc nối kết với nhau thành một quốc gia Việt Nam độc lập. Chúng ta thấy rõ ràng là, lúc đó biểu tượng của Vua Hùng không chỉ là biểu tượng của một đấng tiên tổ xa xôi mà nó đã trở thành một sức mạnh của cộng đồng” - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Ngày nay, trên dải đất hình chữ S với 54 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hóa riêng biệt khác nhau nhưng vẫn cùng chung một vị Thủy Tổ - Hùng Vương. Và đây là yếu tố gắn kết các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, thực hành tín ngưỡng thờ tổ Hùng Vương được thế giới ghi nhận như là một cái giá trị nổi trội của trong đời sống văn hóa của người Việt.

Trách nhiệm của thế hệ chúng ta là làm sao phát huy tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn ấy thành sức mạnh nội sinh vượt qua khó khăn, giữ gìn di sản, ghi nhớ công đức tổ tiên.

Càng ý thức được giá trị năm xưa, chúng ta càng hiểu hơn về tinh thần đại đoàn kết để không chỉ 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thấm nghĩa đồng bào mà còn gắn kết để hơn 5.000 công dân Việt Nam đang sinh sống ở rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đều hướng về nguồn cội và cảm nhận giá trị thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”.

Theo TTXVN