Những ngày tháng Tư, Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023; cuộc thi xếp mô hình sách nghệ thuật; đố vui về sách; vẽ tranh với chủ đề “Sắc màu tuổi thơ qua trang sách”; giới thiệu sách với độc giả. Cùng với đó là các hoạt động truyền thông về Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam; triển khai xe thư viện lưu động phục vụ tại các trường học trên địa bàn tỉnh; trưng bày, giới thiệu, phục vụ tài nguyên thông tin tại chỗ và trên không gian mạng...
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: N.Diệp
Ông Đinh Xuân Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Là nơi lưu giữ hàng ngàn đầu sách, với đầy đủ các thể loại, thời gian qua, Thư viện tỉnh chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa tri thức từ trang sách đến với cộng đồng. Xe thư viện lưu động duy trì hơn chục năm qua được xem là một hoạt động gần gũi, thiết thực nhất. Hằng tuần, hằng tháng, xe thư viện lưu động đi đến từng điểm trường, địa bàn dân cư trên toàn tỉnh để phục vụ nhu cầu đọc sách của các em học sinh (HS) và người dân, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, nơi ít có điều kiện tiếp xúc với sách. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, gần 60 chuyến xe thư viện lưu động do Thư viện tỉnh tổ chức đã đến với các trường học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhằm khuyến khích phong trào đọc sách, thu hút độc giả đến với thư viện, Thư viện tỉnh còn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ bằng thái độ tốt, tư liệu tốt, thường xuyên thay đổi cách thức trưng bày, bố trí sách tạo không gian ấn tượng, sinh động. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thư viện trên địa bàn tỉnh thường xuyên luân chuyển kho sách để làm phong phú kho sách tại các đơn vị thư viện cơ sở; tăng cường liên thông cơ sở dữ liệu với các đơn vị trong khu vực và các trường đại học, cao đẳng, hình thành thư viện số và đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất, tổ chức các đợt trưng bày sách, báo theo chuyên đề, sự kiện...
Trong nỗ lực xây dựng thói quen đọc sách, giúp phát triển và lan tỏa văn hóa đọc, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Phổ biến nhất là mô hình thư viện xanh được triển khai rộng khắp tại hầu hết các trường tiểu học (TH) trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, còn có cuộc thi review sách của Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh (Thuận Nam), mô hình “Tiết đọc sách trong tuần, lịch đọc truyện trong giờ ra chơi” của Trường TH Bình Quý 1 (Ninh Phước), giờ đọc sách của Trường TH Đài Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)... Tiêu biểu trong hoạt động khuyến đọc có Trường THPT Phạm Văn Đồng (Ninh Phước) được sự quan tâm của Ban Giám hiệu, cán bộ, nhân viên, HS và các bậc phụ huynh HS. Trong hệ thống các phòng chức năng, phòng thư viện được ưu tiên rộng rãi, thoáng mát. Sách, báo, tạp chí không chỉ nằm ngay ngắn ở kệ mà thường xuyên được trang trí, sắp xếp theo mô hình, để lại ấn tượng cho những ai đến thăm.
Mô hình xe thư viện lưu động phục vụ học sinh Trường TH Đô Vinh 2
(Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Lê Thi
Thầy giáo Lê Hữu Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng cho biết: Hoạt động khuyến đọc được nhà trường triển khai từ năm 2015. Đến nay, nhà trường đã thành lập được câu lạc bộ khuyến đọc, xây dựng tủ sách lớp học, duy trì 3 buổi đọc sách/tuần vào tiết sinh hoạt đầu giờ, cho HS viết nhật ký đọc sách, sinh hoạt giới thiệu sách trước cờ, tổ chức các cuộc thi liên quan đến sách. Từ năm 2020 đến nay, cuộc thi review sách trở thành hoạt động thường niên của nhà trường. Qua đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, cuộc thi tạo hiệu ứng tốt và nhận được sự phản hồi tích cực của nhiều HS, cá nhân, các đơn vị trường học khác trên địa bàn tỉnh.
Trong cộng đồng, việc khuyến khích hình thành thói quen đọc sách, hướng tới phát triển văn hóa đọc cũng được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm và lan tỏa bằng những việc làm thiết thực. Vườn sách Tâm An ở phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) của chị Hải Bình là một trong số đó. Là người thích đọc sách và hiểu được giá trị của sách, từ lâu chị Bình ấp ủ tạo không gian để các em nhỏ và người lớn có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với sách. Gần 4 tháng từ khi đi vào hoạt động, hiện vườn sách Tâm An là điểm đến cho nhiều em nhỏ, những người thích đọc sách. Ngoài tủ sách đọc miễn phí, chị Bình còn thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện, giao lưu với những vị khách có niềm đam mê đọc sách để truyền cảm hứng đọc sách đến với mọi người. Đều đặn mỗi thứ Bảy hằng tuần từ 9-10 giờ chị Bình tổ chức giờ đọc sách cùng các em nhỏ. Chị Bình cho biết: Mình vui khi rất nhiều em nhỏ và người lớn dành mối quan tâm đối với sách.
Sách không chỉ là kho tàng tri thức mà ở đó còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn cao đẹp. Lan tỏa văn hóa đọc là lan tỏa những điều tốt đẹp từ trang sách đến với đời sống. Hy vọng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các đơn vị, cá nhân, phong trào khuyến đọc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, thói quen đọc sách ngày càng trở nên phổ biến hơn và văn hóa đọc trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân.
Ngọc Diệp