Bộ Công Thương tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai báo C/O điện tử

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp in mẫu khai báo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhanh chóng, thuận lợi và chính xác, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Ecomviet) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã xây dựng ứng dụng hỗ trợ in C/O trên PDF theo đúng mẫu do Bộ Công Thương đã thông báo.

Phiên bản phần mềm dùng thử tại địa chỉ http://vsign.vn dự kiến được triển khai cuối tháng 4/2023. Với nỗ lực đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khai báo C/O điện tử Ecomviet kỳ vọng, nhờ có phiên bản phần mềm dùng thử, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được in mẫu C/O chính xác theo quy định, tránh việc sai sót trong quá trình in C/O hoặc bị cơ quan quản lý trả lại do in sai, lệch, thay đổi format mẫu C/O.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được dùng thử phần mềm từ cuối tháng 4/2023 đến hết 31/5/2023 để có những trải nghiệm thực tế và nhận định một cách khách quan về điểm khác biệt của phiên bản mới so với phiên bản trước đó. Trong thời gian thử nghiệm, Ecomviet sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục vướng mắc và tiếp tục cập nhật để phần mềm ngày càng tối ưu và hoàn thiện hơn.

Trước đó, ngày 10/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông báo số 257/TB-BCT về việc in giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên giấy A4 thông thường.

Thông báo nêu rõ, để tạo thuận lợi và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, từ ngày 15/10/2022 thương nhân đề nghị cấp một số loại C/O có thể tải mẫu C/O và tự in từ Hệ thống eCoSys tại địa chỉ https://ecosys.gov.vn.

Các loại C/O mà thương nhân có thể tự in trên giấy trắng, kích thước A4 theo tiêu chuẩn ISO bao gồm mẫu D, AANZ, AK, AI, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VK, VJ, VC, VN-CU và S.

Trong thời gian chuyển tiếp, kể từ ngày 15/10/2022 đến hết ngày 15/4/2023, thương nhân vẫn được tiếp tục sử dụng mẫu C/O của các loại trên do Bộ Công Thương phát cho thương nhân.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện tại có rất nhiều cách làm thủ công khác nhau để in các mẫu PDF như dùng word, excel, dùng pdf bản quyền có phí rất cao… nhưng đều phải tạo dữ liệu copy vào từng trang Orig, Dup, Trip. Quá trình này phát sinh một số trở ngại khiến doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, dễ nhầm lẫn, sai sót.

Theo TTXVN/Báo Tin tức