Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các vướng mắc tồn đọng trong thực hiện kế hoạch (KH) giải ngân vốn, nhằm giải ngân hiệu quả vốn các chương trình MTQG.
Năm 2022, mặc dù có rất nhiều cố gắng trong triển khai KH giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các chương trình MTQG, nhưng tỉnh ta chưa giải ngân hết số vốn được giao. Đến ngày 31/1/2023, tổng số vốn đã giải ngân KH đầu tư công thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là 444,726 tỷ đồng (không bao gồm số vốn 103,540 tỷ đồng đối ứng của ngân sách huyện); tổng số vốn giải ngân KH năm 2022 là 272,634 tỷ đồng, đạt 61,73% KH giao. Trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân 208,281/293,527 tỷ đồng, đạt 71% KH; còn lại 85,246 tỷ đồng chưa giải ngân, chuyển nguồn sang thực hiện năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 69/NQ-QH15 của Quốc hội. Vốn sự nghiệp giải ngân 64,146 tỷ đồng/151,199 tỷ đồng, đạt 42% KH; số còn lại chưa giải ngân là 87,053 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương được chuyển nguồn sang năm 2023 là 54,299 tỷ đồng, còn vốn đối ứng ngân sách địa phương 32,754 tỷ đồng sẽ bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách.
Thi công công trình giao thông nông thôn xã Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Anh Tuấn
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nguyên nhân nguồn vốn triển khai chậm và đề nghị kéo dài vốn là do, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các chương trình MTQG của giai đoạn 5 năm 2021-2025, khối lượng, nội dung công việc triển khai lớn, nhiều quy định, hướng dẫn mới, khó thực hiện trong khi văn bản hướng dẫn của trung ương chưa kịp thời. Mặt khác, trung ương giao vốn chậm, đến cuối tháng 5/2022 mới giao KH vốn cho tỉnh, nhất là vốn sự nghiệp (đến tháng 9/2022, Bộ Tài chính mới ban hành quyết định giao vốn sự nghiệp của chương trình xây dựng nông thôn mới) do đó việc giải ngân hết số vốn trong năm 2022 có nhiều khó khăn. Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương và các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành liên quan đến công tác lập, phê duyệt dự án đầu tư nên gây chậm trễ trong công tác phân bổ chi tiết KH vốn, từ đó tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không đạt KH đề ra.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu giải ngân đạt 100% ngân sách trung ương năm 2023 là 832,703 tỷ đồng (trong đó KH năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 126,355 tỷ đồng và KH năm 2023 là 706,348 tỷ đồng (chưa kể vốn đối ứng ngân sách huyện là 101,150 tỷ đồng) đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các sở, ngành và địa phương. Theo Sở KH&ĐT, đến thời điểm ngày 31/3/2023 công tác giải ngân vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 mới giải ngân được 12,689/126,355 tỷ đồng, đạt 10%. Trong đó, chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 4%; chương trình giảm nghèo bền vững đạt 13% và chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 11%. Đối với vốn năm 2023, hiện mới chỉ giải ngân đạt trên 25,565 tỷ đồng/706,348 tỷ đồng, đạt 3,6% KH.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân vốn; yêu cầu bám sát nội dung công việc và phân bổ nguồn lực. Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 với nguồn lực đầu tư rất lớn, cộng với số vốn chuyển nguồn năm 2022 sang thực hiện năm 2023, sẽ là những áp lực cho các sở ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Do đó, trong thời gian tới cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình; khẩn trương hoàn thành phê duyệt các dự án đầu tư; dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các chương MTQG theo quy định; hoàn tất thủ tục khởi công; thanh, quyết toán các công trình, dự án khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không để dồn vốn vào cuối năm.
Đối với nguồn ngân sách trung ương được chuyển nguồn sang thực hiện giải ngân năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 69/NQ-QH15 của Quốc hội, đề nghị các chủ đầu tư tập trung kết thúc hoàn thành 100% việc giải ngân trong tháng 4/2023. Đối với vốn đầu tư phát triển hiện còn 14 dự án khởi công mới trong năm 2023 chưa phê duyệt, đề nghị chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất phê duyệt dự án, để đủ điều kiện phân bổ vốn chi tiết. Các huyện, thành phố quan tâm, cân đối nguồn lực để bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện các chương trình MTQG trong năm 2023. Các cơ quan thường trực chương trình, các sở, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương trong việc xử lý dứt điểm các kiến nghị của địa phương để triển khai các chương trình kịp thời, hiệu quả.
Anh Tuấn