Phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản

Với lợi thế bờ biển dài hơn 105 km, cùng hệ thống đầm, vịnh, ao đìa đa dạng, người dân các địa phương ven biển Ninh Thuận đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo phát triển kinh tế biển theo định hướng sản xuất bền vững của tỉnh.

Tận dụng diện tích mặt nước rộng hơn 1.200 ha, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, những năm gần đây, nuôi hàu treo dây trong lồng bè trở thành nghề chính của nhiều hộ dân sống quanh khu vực Đầm Nại. Sản phẩm hàu Thái Bình Dương giờ đây được xem là đặc sản của người dân ở khu vực này. Sau khi huyện Ninh Hải quy hoạch lại vùng nuôi, anh Bùi Mai Phương ở xã Tri Hải (Ninh Hải) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi hàu Thái Bình Dương trên diện tích 4 sào với gần 350 ô nuôi trong lồng bè. Mỗi năm anh thu hoạch 2 vụ, sau khi trừ chi phí, anh Phương thu lợi hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động ở địa phương. Anh Bùi Mai Phương cho biết: Một sào hàu đầu tư khoảng 300 triệu đồng sau một vụ có thể lấy lại tiền bè và tái đầu tư lại, còn bè nhỏ thì có thể 2-3 vụ. Nuôi hàu chủ yếu bỏ công chăm sóc ít rủi ro, dễ tạo thu nhập cho bà con ở vùng đầm này. Để bảo vệ cảnh quan môi trường cũng như mật độ an toàn cho các loại thủy sản trên khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải đã lập quy hoạch vùng nuôi với diện tích 35 ha, gần 150 hộ thả nuôi với hơn 800 lồng bè. Trong năm 2022, sản lượng hàu tại khu vực này đạt hơn 1.300 tấn. Đầu ra sản phẩm ổn định, lợi nhuận đảm bảo, cuộc sống người dân quanh vùng cũng khấm khá hơn. Anh Bùi Thế Phong ở thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải (Ninh Hải) cho biết: Hàu thì mình nuôi không cần cho ăn uống gì nhiều, hàu ăn tảo tự nhiên là chủ yếu. Những năm gần đây bà con ở đây nuôi hàu cũng có thu nhập khá.

Các hộ dân nuôi cá mú trong lồng bè ở xã Cà Ná (Thuận Nam).

Nuôi trồng thủy sản đang là thế mạnh trong phát triển kinh tế của hầu hết các địa phương ven biển. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, nhận thấy mô hình nuôi cá trên biển đem lại lợi nhuận cao, anh Mai Thành Lễ ở thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná (Thuận Nam) mạnh dạn đầu tư gần 10 tỷ đồng làm lồng bè để nuôi 2 loại cá Mú và cá Bớp. Để đảm bảo môi trường cho cá phát triển và nuôi được liên tục các mùa trong năm, anh Lễ áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến và tạo hệ thống lồng bè có kết cấu chắc chắn, chịu được biến động lớn của thời tiết, chất liệu lồng bè phù hợp với từng đối tượng nuôi. Nhờ đó, trên diện tích mặt nước hơn 3.600 m2, 60 lồng bè của anh Mai Thành Lễ luôn có hải sản để bán quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Anh Mai Thành Lễ chia sẻ: Tôi phải học hỏi rồi áp dụng các cách nuôi hiện đại cũng như đầu tư lồng bè. Cây làm bè phải chắc chắn để nuôi quanh năm, không phải di dời khi gặp mùa gió lớn. Mỗi năm thì thu hoạch đảm bảo lợi nhuận cũng như tạo việc làm cho anh em liên tục.

Những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư cơ sở vật chất cho nuôi trồng thuỷ sản, nhiều hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn cải tạo ao hồ, chuyển đổi đối tượng nuôi kém hiệu quả để đưa giống mới vào nuôi trồng, đảm bảo hiệu quả kinh tế lâu dài. Sau một thời gian nuôi tôm, chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả kinh tế thấp, năm 2016, ông Lê Văn Vũ ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam) chuyển sang nuôi ốc hương. Ông Vũ đi nhiều nơi học hỏi những cách làm mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đầu tư hệ thống ao nuôi, cách chăm sóc, phương pháp cho ăn, xử lý môi trường nước... Đến nay, hơn 2 ha ao nuôi ốc hương của ông mỗi năm cho lãi gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động tại địa phương. Ông Vũ chia sẻ: Trước nuôi tôm giờ sang nuôi ốc hương thấy hiệu quả. Sản lượng trung bình 1 tấn/sào, mỗi năm được 60-70 tấn đều đều cũng mấy năm nay. Lợi nhuận cũng cao nhiều.

Bờ biển dài, nguồn thức ăn phong phú, chất lượng con giống đảm bảo. Cùng với đó, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên để người dân phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản với ngày càng nhiều trang trại quy mô, hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 270 bè với 2.600 lồng nổi nuôi trồng thủy sản trên biển. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại có giá trị kinh tế cao như tôm Hùm, cá Bớp, cá Mú Trân châu, cá Chim Vây vàng tôm sú, ốc hương, hàu… Theo quy hoạch vùng nuôi biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Ninh Thuận tỉnh sẽ bố trí tổng diện tích nuôi trồng khoảng 1.390 ha; mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng chí Lê Huyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh tiếp tục định hướng xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; tích hợp vùng nuôi trồng thủy sản vào Quy hoạch tỉnh; tiếp tục nghiên cứu nuôi thử nghiệm và sản xuất các giống thủy sản mới có giá trị và chuyển từ nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tỉnh sẽ huy động đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các vùng sản xuất tập trung theo hướng đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất để phát huy tiềm năng, lợi thế biển của tỉnh.

Phát triển nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Lợi thế từ điều kiện thiên nhiên cùng các chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch, định hướng của của tỉnh, nuôi trồng thủy sản tỉnh nhà sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, tạo cơ hội để ngành thủy sản đột phá, đóng góp chung vào tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.