Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Diễm My
Hội nghị đã nghe đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thông qua Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 2 dự thảo nghị quyết. Theo đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đô thị nói chung và KTĐT nói riêng có vị trí vai trò rất quan trọng, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và các vùng khác nói riêng; là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, du lịch và dịch vụ; là nơi tập trung dân cư sinh sống, kinh tế phát triển mạnh mẽ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có các định hướng phát triển, do đó, việc ban hành Nghị quyết phát triển KTĐT, trọng tâm là xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của các đô thị, tạo động lực, sức lan tỏa góp phần phát triển KT-XH của tỉnh; đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, nghị quyết đề ra mục tiêu phát triển KTĐT hướng tới phát triển đô thị bền vững trong tương lai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số vào các ngành KTĐT; bảo đảm các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững KTĐT; chú trọng phát triển các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với định hướng ưu tiên của tỉnh, gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế biển... Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế khu vực đô thị chiếm khoảng 75% tổng sản phẩm nội tỉnh; thu nhập bình quân đầu người khu vực đô thị 170 triệu đồng/năm, trong đó Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chiếm tỷ trọng 90% KTĐT toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Ninh Thuận cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, phấn đấu KTĐT đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh khoảng 85% tổng sản phẩm nội tỉnh và thu nhập bình quân đầu người khu vực đô thị 220 triệu đồng/năm.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị.
Về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự thảo xác lập quan điểm phát triển, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các phương án, các nhóm giải pháp và định vị Ninh Thuận trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng, thịnh vượng, với tầm nhìn chiến lược là “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Đồng thời đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao; đến năm 2050, Ninh Thuận thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước; một tỉnh xanh và có môi trường sống tốt, phát triển bền vững. Quy hoạch cũng chỉ ra 5 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (gồm năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản), 2 động lực phát triển (gồm kinh tế biển và KTĐT), 1 hạt nhân phát triển là con người và 4 khâu đột phá (gồm nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực).
Tiến hành thảo luận tại các tổ, hội nghị thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong dự thảo nghị quyết về phát triển KTĐT; thống nhất quan điểm, mục tiêu, kịch bản tăng trưởng, các khâu đột phá, trụ cột phát triển, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, phương án bố trí không gian lãnh thổ, phương án tổ chức không gian phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời đề nghị cần rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh đảm bảo các giải pháp hiệu quả, đồng bộ, tính khả thi cao và phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai và góp phần phát huy hiệu quả cao nhất quy hoạch tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phát triển KTĐT phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường, nâng cao đời sống người dân, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phù hợp, đồng bộ và gắn kết chặt chẽ với các khu, vùng kinh tế, các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, động lực, đột phá theo chủ trương, định hướng của tỉnh, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế biển, du lịch...; phát triển Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thành một trong những đô thị trọng tâm liên kết vùng với chức năng dịch vụ, du lịch, trung tâm hành chính văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh và khu vực. Đồng chí giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng KTĐT bình quân giai đoạn từ nay đến 2025, 2025-2030 và tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp.
Về dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng đây là cơ sở pháp lý, công cụ để quản lý và triển khai hoạch định, xây dựng các kế hoạch, chương trình có tầm nhìn, chiến lược để phát triển tỉnh, các ngành, địa phương trong thời gian tới. Quy hoạch tỉnh được lập theo quy định của Luật Quy hoạch và được tiếp cận theo phương pháp hoàn toàn mới là cơ sở để kết nối đồng bộ các loại quy hoạch khác và khắc phục những xung đột, mâu thuẫn có tính chất liên ngành, liên tỉnh, góp phần sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn lực nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế và cơ hội của địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao vị thế của tỉnh. Do đó, cần tiếp tục rà soát các ý kiến của Hội đồng thẩm định, các cơ quan, đơn vị, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, khả thi, phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan, có độ mở, phù hợp với tình hình thực tế, với nguyện vọng của người dân, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết về phát triển KTĐT và quy hoạch của tỉnh, cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết trong từng lĩnh vực để thực hiện đạt kết quả, từ đó góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Diễm My