Tư duy lập thân, lập nghiệp của người lao động miền núi thay đổi tích cực

Rời nương rẫy, về xuôi tìm việc làm ổn định tại các nhà xưởng là lựa chọn ngày càng nhiều của thanh niên đồng bào dân tộc Raglai ở hai huyện Thuận Bắc và Bác Ái trong những năm gần đây. Sau những nỗ lực thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm của các sở, ngành, địa phương thì đây thực sự là một tín hiệu vui, tạo đà chuyển biến mới giúp lao động (LĐ) vùng cao nâng cao trình độ, ổn định cuộc sống.

Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Innoflow NT (Khu công nghiệp Du Long) vừa có thêm một số gương mặt mới ở chuyền sản xuất. Họ là những LĐ vùng đồng bào Raglai huyện Thuận Bắc lần đầu rời núi làm công nhân, được công ty sắp xếp vừa làm, vừa học với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tập sự, LĐ được các kỹ thuật viên của công ty hướng dẫn làm quen với hệ thống máy móc, cách luồn kim xỏ chỉ, vận hành máy may công nghiệp. Vừa dứt đường may, chị Zet Thị Y, xã Công Hải (Thuận Bắc) cho hay, chị đến công ty tập sự đã được 1 tháng, đang dần quen với nếp sống mới, môi trường làm việc mới. Trước khi quyết định xin vô công ty làm việc, mình cũng lo lắm, ngại xa con nhỏ, xa gia đình. Nhưng nghĩ đến tương lai, không muốn con mình sau này cũng phải đi làm rẫy bấp bênh khổ cực như bố mẹ nên mình cùng chồng xác định phải đi làm để có thu nhập lo cho con. Sau này công việc ổn định, công ty hỗ trợ thêm, mình sẽ đưa con xuống dưới này, xin cho con đi học để con được ở gần mẹ. Dù là lần đầu tiên rời núi làm công nhân nhưng nhờ sự hướng dẫn, quan tâm giúp đỡ từ phía công ty, mình cũng như các LĐ khác nhanh chóng làm quen với giờ giấc, tác phong làm việc.

Người lao động Raglai làm công nhân tại Công ty Cổ phần Rau cau Sơn Hải (huyện Thuận Bắc).

Tuyên truyền để người LĐ miền núi thay đổi nhận thức về lập thân, lập nghiệp không gì hiệu quả hơn từ chính những tấm gương người thật, việc thật. Vì lẽ đó, tận dụng thời gian nghỉ phép, từ TP. Hồ Chí Minh, chị Chamaléa Thị Diệu hào hứng trở về địa phương ở xã Phước Đại (Bác Ái) tham gia phiên giao dịch việc làm. 4 năm gắn bó với công ty sản xuất đồ gỗ tại TP. Hồ Chí Minh, chị Diệu thành LĐ có thâm niên, trong khoảng thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chị vẫn có công việc ổn định với thu nhập bình quân hằng tháng hơn 8 triệu đồng. Chị Diệu kể: Lúc đầu, tôi cũng không dám đi xa nhà. Nhưng hoàn cảnh nhà nghèo, nếu không đi làm thì không biết bao giờ mới hết nghèo. Bây giờ công việc ổn định, hằng tháng tôi có tiền dành dụm gửi về phụ giúp gia đình thoát nghèo, xây nhà ở kiên cố. Hôm nay huyện mời về nói chuyện với các bạn thanh niên là LĐ của huyện chưa có việc làm, tôi mong các bạn sắp tới đi làm ổn định, có lương, thưởng, có chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ và quan trọng là công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn so với đi làm rẫy.

Chị Chamaléa Thị Diệu, xã Phước Đại (Bác Ái) xây dựng nhà cửa khang trang nhờ thu nhập sau 4 năm làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, từ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm tận cơ sở, nhiều LĐ vùng đồng bào Raglai đã mạnh dạn đăng ký đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như tham gia xuất khẩu LĐ. Cách nghĩ “trời sinh voi, sinh cỏ” và tư duy trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước giờ đã không còn, thay vào đó là sự chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm để nâng cao thu nhập của lực lượng LĐ đang trong độ tuổi thanh niên. Hiện nay, toàn huyện Bác Ái có trên 500 LĐ đi làm tại các doanh nghiệp của 29 tỉnh, thành phố trong cả nước và gần 100 LĐ đi xuất khẩu LĐ. Còn tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thuận Bắc như Phước Kháng, Phước Chiến, Lợi Hải, Công Hải, số thanh niên trong độ tuổi LĐ có việc làm chiếm trên 80%. Điều đáng mừng là hầu hết các LĐ đều duy trì được việc làm ổn định, được chủ doanh nghiệp và người sử dụng LĐ đánh giá cao bởi tính siêng năng, cần cù, chịu khó, thu nhập bình quân từ 6-11 triệu đồng/tháng. Từ nguồn thu nhập và tích góp của người thân trong gia đình, nhiều LĐ đang sửa chữa, xây mới nhà cửa, sắm sửa các vật dụng trong nhà, nhờ đó diện mạo và đời sống người dân vùng miền núi nhờ đó cũng từng ngày khởi sắc.

Đồng chí Đặng Ngọc Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Qua khảo sát tại địa phương, nhà nào có người đi làm công ty đều cho thu nhập ổn định, sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh, cuộc sống đầy đủ hơn các nhà khác. Vì thế mà chủ trương của huyện trong năm 2023 là phải đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người LĐ. Khi LĐ có việc làm thì mới thoát nghèo hiệu quả. Huyện mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các trường nghề, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các công ty, doanh nghiệp đến tuyển dụng, giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là thanh niên vùng đồng bào Raglai trong độ tuổi LĐ.