Từ đầu năm đến nay, thực hiện Đề án 06/CP toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu đối với 45.586/69.064 hồ sơ (đạt 66,01%). Một số dịch vụ có tỷ lệ trực tuyến cao đã được triển khai, như: Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD); thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; dịch vụ cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân đều đạt tỷ lệ 100%. Dịch vụ trực tuyến thông báo lưu trú (đạt 99,04%); cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông (đạt 91,22%). Đặc biệt, hiện nay đã triển khai được dịch vụ công liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, đạt 83,33%.
Thượng tá Nguyễn Tiến Long, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Với vai trò là đơn vị Thường trực Tổ công tác Đề án 06/CP, Công an tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thu nhận hồ sơ cấp CCCD và định danh điện tử (ĐDĐT) trên tinh thần quyết liệt, đồng bộ các giải pháp “làm sạch” dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” theo chỉ đạo của Bộ Công an. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận hồ sơ và cấp CCCD cho 588.207 trường hợp, đạt 99,68% (tăng 16.792 hồ sơ so với cuối tháng 12/2022). Riêng ĐDĐT mức 2 đã thu nhận 69.839 hồ sơ, đạt 95,26% (tăng 23.825 hồ sơ).
Công an tỉnh thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và định danh điện tử cho người dân. Ảnh: Diễm My
Điều đáng ghi nhận là nền tảng CCCD gắn chíp đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật như trong lĩnh vực y tế, hiện đã có 79/79 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 100% với 395.875 lượt công dân sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (tăng 246.466 lượt so với tháng 12/2022). Theo đó, đã triển khai cho 8 cơ sở khám, chữa bệnh kết nối, liên thông dữ liệu hồ sơ giấy khám sức khỏe lái xe bằng 2 hình thức là liên thông trực tiếp từ phần mềm của cơ sở khám chữa bệnh hoặc nhập trực tiếp dữ liệu lên hệ thống của Bộ Y tế. Tổng số lượt thanh toán viện phí thông qua hình thức thanh toán điện tử không sử dụng tiền mặt trên toàn tỉnh 3.917 lượt với số tiền được thanh toán trên 4,181 tỷ đồng. Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội cũng đã thực hiện xác thực dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện đã xác thực được 414.212 trường hợp, chiếm 80,0% so với tổng số người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của bộ phận chức năng về thực hiện quy định không sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy ở bộ phận một cửa vẫn còn tình trạng yêu cầu công dân xuất trình Giấy xác nhận thông tin cư trú (CT07). Xuất phát từ yêu cầu của người dân, Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh đã cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú (CT07) cho công dân hơn 9.890 trường hợp. Trong đó, yêu cầu công dân cung cấp CT07 khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) nhiều nhất thuộc các lĩnh vực như Giáo dục, Ngân hàng, Lao động - Thương binh và Xã hội, đất đai, hồ sơ xin việc làm…
Theo Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của UBND tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trong năm phải đạt 75% và tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt 70%. Trong khi đó hiện nay kết quả tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với 25 dịch vụ công thiết yếu mới chỉ đạt 58,3% và vẫn còn một số dịch vụ công có tỷ lệ thấp hoặc không phát sinh hồ sơ trong những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mới đạt 16,2% và tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử chỉ đạt 19,4%, chưa bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Khó khăn hiện nay, đó là trang thiết bị đọc thẻ chíp, đọc mã QR trên thẻ CCCD tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính chưa được trang cấp đầy đủ, do đó không thể kết nối hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tra cứu, khai thác, sử dụng thông tin cá nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện các phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo quy định.
Thượng tá Nguyễn Tiến Long cho biết thêm: Để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06/CP năm 2023, trong thời gian tới các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố cần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành liên quan; chủ động đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP. Trong đó, tập trung chỉ đạo, quán triệt đến cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC, Bộ phận một cửa các cấp buộc phải tra cứu, khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo quy định của Chính phủ, không yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06/CP và 28 dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giao. Mặt khác tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến về Đề án 06/CP nhằm nâng cao nhận thức chung và sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích để thay đổi hành vi, ý thức; hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Người dân cũng cần tìm hiểu, học hỏi, trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số để bắt kịp xu thế phát triển và hưởng lợi từ các tiện tích chuyển đổi số mang lại.
Anh Tuấn