Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, huyện Ninh Phước đã ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng phát triển chính quyền số và CĐS sát với tình hình và nhu cầu phát triển của huyện. Đồng thời, huyện tập trung đầu tư phát triển hạ tầng số, hệ thống mạng LAN và mạng internet để kết nối thông suốt giữa các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện và ở cấp xã, thị trấn tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đến nay, các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng 3G, 4G được phủ sóng rộng khắp toàn huyện. Trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan, đơn vị, địa phương được đầu tư đảm bảo yêu cầu công việc hằng ngày; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính kết nối internet, được cấp tài khoản phần mềm văn phòng điện tử; 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối mạng internet; mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã được triển khai, kết nối từ trung ương đến cấp xã, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn thông tin phục vụ chính quyền số. Ngoài ra, huyện còn trang bị phòng họp trực tuyến tiếp nhận đường truyền với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh và các xã; triển khai hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc; hệ thống quản lý văn bản hồ sơ công việc được triển khai thực hiện tốt, giúp việc trao đổi, xử lý văn bản trên môi trường mạng đạt 85,53%. Cùng với đó, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân hiểu biết về CĐS, những thiết thực và nhu cầu tất yếu của việc CĐS. Đến nay, toàn huyện tổ chức cho 27 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã tham gia chương trình bồi dưỡng về CĐS; thành lập được 65 Tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, khu phố, với 455 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt, giúp thúc đẩy, tuyên truyền đến đại đa số người dân về việc thực hiện CĐS.
Cán bộ, công chức, viên chức huyện Ninh Phước ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.
Đối với các lĩnh vực phát triển kinh tế số, xã hội số được triển khai toàn diện. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp chuyển đổi, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nên tảng số, thương mại điện tử, thương mại số, sử dụng hóa đơn điện tử gắn với phát triển kinh tế số; hỗ trợ CĐS trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Lĩnh vực xã hội số, huyện đẩy mạnh triển khai các nền tảng hỗ trợ giáo dục và dạy học, hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, công dân số; thanh toán số trên địa bàn. Hiện nay, 100% các trường học ứng dụng các phần mềm giáo án điện tử, phần mền quản lý dữ liệu ngành, phổ cập giáo dục,... Trong lĩnh vực y tế đã triển khai ứng dụng phần mềm tạo hồ sơ sức khỏe điện tử tại các trạm y tế xã, thị trấn; khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắp chíp; tư vấn khám, chữa bệnh từ xa... Đối với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, cũng như số hóa văn bản, tài liệu tiếp tục được duy trì thực hiện. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả trong điều hành, giải quyết công việc thuận tiện, nhanh chóng và giảm chi phí cho người dân để hướng đến chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Việc triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn đã đạt được kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Nguồn nhân lực còn thiếu; trình độ, kỹ năng của người dân về ứng dụng CNTT, sử dụng thiết bị số hoặc các phần mềm, ứng dụng còn hạn chế... Trong thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát hạ tầng số để đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước, đảm bảo kết nối an toàn các mạng LAN với mạng internet băng thông rộng của tỉnh; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dụng cho các cơ quan nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương ứng dụng CNTT, CĐS một cách tích cực, hiệu quả; tăng cường chỉ đạo bộ phận một cửa cấp huyện và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính trên môi trường mạng; thực hiện chữ ký số 100% các văn bản điện tử trao đổi qua môi trường mạng tại phần mềm quản lý hồ sơ công việc tại các cơ quan, đơn vị. Thúc đẩy thương mai điện tử, thương mại số, thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng của việc CĐS, cũng như xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của huyện.
Nhã Uyên