Huy động mọi nguồn lực thực hiện chuyển đổi số

Để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các hội, đoàn thể căn cứ các nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm trong việc rà soát, tham mưu đề xuất việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền theo hướng tập trung, thống nhất, động bộ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, Ban Điều hành CĐS tỉnh đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập trung lãnh đạo, điều hành với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhờ đó công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng về CĐS được quan tâm thực hiện, tạo được chuyển biến về nhận thức; cơ bản hoàn thành nền tảng dữ liệu dùng chung. Công tác số hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, điều hành được cấp ủy, chính quyền và cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện; dịch vụ công có tiến bộ, tỷ lệ văn bản hành chính xử lý trên môi trường mạng được nâng lên; đảm bảo an ninh, an toàn, đủ điều kiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách được tỉnh ban hành kịp thời; hoạt động thương mại điện tử tiếp tục được tăng cường; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt được tập trung đẩy mạnh trên một số dịch vụ thiết yếu; doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện đăng ký thực hiện một số giao dịch điện tử như nộp thuế, ngân hàng điện tử. Thực hiện số hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế được các ngành quan tâm đẩy mạnh hơn. Tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, khu phố tiếp tục được mở rộng. Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được công tác CĐS trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế, đó là: CĐS trên địa bàn tỉnh chưa mạnh, mặc dù chỉ số CĐS (DTI) tuy được cải thiện, nhưng còn thuộc nhóm thấp, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh mới chưa nhiều, tính đồng bộ, liên thông dịch vụ công chưa cao; việc sử dụng hạ tầng, nền tảng số chưa nhiều, chưa được đồng bộ, liên thông; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mới còn hạn chế; cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CĐS chưa đủ mạnh, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh; việc khai thác, phát huy và thu hút nguồn lực xã hội cho CĐS còn hạn chế...

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hướng dẫn người dân cách đăng nhập và nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Ảnh: Lê Thi

Nhằm đẩy mạnh CĐS, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 16/3/2023, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành CĐS tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 956/KH-BĐHCĐS triển khai thực hiện CĐS năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch nhằm huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển sử dụng dữ liệu số, tăng cường số hoá quy trình; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu hoàn thành ít nhất một sản phẩm CĐS năm 2023, trọng tâm là xây dựng “chính quyền số” là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc dần hình thành nền kinh tế số, công dân số, xã hội số. Tập trung hoàn thiện hạ tầng số, nhất là sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền số bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy chính quyền, cơ quan trong hệ thống chính trị. Nâng cao chỉ số CĐS (DTI) tỉnh Ninh Thuận năm 2023 thuộc nhóm khá của cả nước.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các hội, đoàn thể căn cứ các nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm trong việc rà soát, tham mưu đề xuất việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền quy định về CĐS của ngành, lĩnh vực, địa phương theo hướng tập trung, thống nhất, động bộ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Khẩn trương rà soát, chỉ đạo thực hiện việc triển khai, thực hiện chữ ký số 100% tại các cơ quan, đơn vị; đồng thời, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nhiệm vụ CĐS của ngành, địa phương mình, trong đó bảo đảm nội dung năm 2023 mỗi ngành, địa phương “có 1 sản phẩm CĐS”, các công việc này hoàn thành trong quý I/2023. Riêng UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các UBND các xã, phường, thị trấn nhanh chóng thành lập tổ công nghệ số cộng đồng (hoàn thành trong quý I/2023), đồng thời chỉ đạo tổ công nghệ số cộng đồng phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện CĐS, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành, địa phương cần bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 tại Thông báo số 16/TB-VPCP ngày 28/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 03-TB/BCĐCĐS, Kế hoạch số 02-KH/BCĐCĐS của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh và Kế hoạch kèm theo Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 14/2/2023 của UBND tỉnh để cụ thể hóa chi tiết các nhiệm vụ vào kế hoạch của Ban Điều hành CĐS vào kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Cụ thể, đối với giải pháp phát triển nền tảng cho CĐS cần tăng cường quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ CĐS cho các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nhất là người đứng đầu nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; xem CĐS là công cụ tiết kiệm về nguồn lực góp phần thực hiện nhanh nhất các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT), CĐS phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp viễn thông, CNTT (FPT, VNPT, Viettel, Mobifone,...) trên địa bàn tỉnh tăng cường, hỗ trợ nguồn nhân lực CNTT cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng thuê nhân sự CNTT trong giai đoạn chưa bố trí đủ nhân lực theo nhu cầu để đáp ứng yêu cầu công việc. Sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ để phục vụ cho việc đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNTT.

Về phát triển chính quyền số cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong cung cấp Dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến, phấn đấu năm 2023 trên 70% hồ sơ được tiếp nhận giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ các thủ tục hành chính được công bố thực hiện Dịch vụ công trực tuyến. Ưu tiên thực hiện số hóa tất cả các hoạt động của các cấp, các ngành, nhất là các ngành, lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên về CĐS theo Nghị quyết 09-NQ/TU; xây dựng, phát triển đô thị thông minh Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, phổ cập chữ ký số; đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách thu hút, tạo điều kiện doanh nghiệp CĐS phát triển, gắn với ưu tiên đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Việc xây dựng kế hoạch tổ chức ngày CĐS của tỉnh phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của CĐS đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS.