Thực trạng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động trên địa bàn tỉnh

Để giải quyết tình trạng sim rác, từ sau ngày 31/3/2023, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao (hay còn gọi là sim điện thoại) có thông tin chưa chuẩn hóa theo dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), toàn tỉnh hiện có hơn 689.900 số thuê bao điện thoại, trong đó TBDĐ trả trước hơn 596.000 số. Đến thời điểm này đã có khoảng 72% thuê bao đã được chuẩn hóa. Điều này cũng đồng nghĩa còn một lượng lớn thuê bao sẽ bị khóa một chiều sau ngày 31/3. Để hỗ trợ khách hàng, hiện nay các nhà mạng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tăng cường hướng dẫn người dùng chuẩn hóa thông tin sim điện thoại. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) tham dự một buổi hỗ trợ dịch vụ chăm sóc khách hàng để cập nhật, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động (TBDĐ) trả trước cho biết: Trước giờ chỉ ra ngoài tiệm mua sim về sử dụng chứ đâu có biết đăng ký, giờ thì được hướng dẫn đăng ký sim để sử dụng chính chủ để khỏi mất sim.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VinaPhone và MobiFone. Thực hiện chỉ đạo của Cục Viễn thông và Sở TT&TT, hiện nay các nhà mạng đang tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng cập nhật, chuẩn hóa thông tin TBDĐ, nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng. Ông Đào Xuân Thọ, Giám đốc chi nhánh MobiFone Ninh Thuận cho biết: Chúng tôi tăng cường hướng dẫn khách hàng đăng ký qua app MobiFone hoặc webside: mobifone.vn, nếu như khách hàng chưa biết sử dụng các dịch vụ tự đăng ký thì chúng tôi khuyến cáo khách hàng đến các cửa hàng chính thức của công ty để được hướng dẫn thực hiện, đối với những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa thì chúng tôi cũng triển khai những chương trình cho nhân viên đến tận các địa điểm để hướng dẫn cung cấp dịch vụ cho khách hàng thuận tiện trong quá trình đăng ký.

Qua ghi nhận của phóng viên tại các điểm cập nhật thông tin cá nhân của các nhà mạng, người dân đồng tình với việc chuẩn hóa thông tin TBDĐ để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng sim điện thoại và ngăn ngừa tình trạng sim rác. Bên cạnh những khách hàng cập nhật thông tin qua mạng internet theo hướng dẫn của nhà mạng, nhiều người chọn cách đến trực tiếp cửa hàng để yên tâm hơn về bảo mật dữ liệu cá nhân khi cung cấp cho các nhà mạng. Ông Hoàng Ngọc Loan, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: Tôi nghĩ một khi mình đã cập nhật thông tin cá nhân lên Cổng thông tin điện tử quốc gia thì sẽ loại bỏ những tin nhắn rác. Đối với tôi chỉ sai lệch về số chứng minh nhân dân thôi, đến đây thì tôi được giải thích rõ ràng và đề nghị cập nhật theo căn cước công dân theo dữ liệu quốc gia bây giờ.

Về những lo lắng của các TBDĐ khi thông tin cá nhân có thể bị lộ, lọt ra ngoài, ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó Giám đốc VNPT Ninh Thuận cho biết: Với lo lắng của khách hàng về bảo mật thông tin cá nhân khi đăng ký thì chúng tôi cam kết bảo mật tuyệt đối thông tin của khách hàng trên các hệ thống dữ liệu của tập đoàn.

Thực hiện quy định của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), các nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất 1 tin nhắn để yêu cầu chủ thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin tiến hành cập nhật dữ liệu. Sau 15 ngày nhận thông báo, nếu thuê bao không cập nhật dữ liệu cá nhân sẽ bị khóa một chiều và khóa hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Qua rà soát của các nhà mạng, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 thuê bao đã khóa một chiều và dự kiến đến hết ngày 31/3/2023 sẽ tiếp tục khóa một chiều khoảng 8.800 thuê bao.

Ông Nguyễn Tri Long, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sau ngày 31/3, Sở TT&TT sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao. Tăng cường xử lý và hỗ trợ khách hàng trong việc cập nhật, chuẩn hóa thông tin TBDĐ, đặc biệt là những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, thiếu tiếp cận thông tin. Đồng thời sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc cập nhật, chuẩn hóa thông tin TBDĐ và sử dụng các dịch vụ viễn thông một cách hiệu quả.

Ngành chức năng cũng khuyến cáo, thời gian gần đây đã xuất hiện các trường hợp kẻ xấu lợi dụng việc cập nhật, chuẩn hóa thông tin TBDĐ để mạo danh, lừa đảo khách hàng. Do đó, người dân cần cẩn trọng xem xét các nguồn tin tiếp nhận, cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo, mạo danh. Đồng thời, trong quá trình cập nhật, chuẩn hóa thông tin cần liên hệ, truy cập các kênh chính thống mà các nhà mạng công bố hoặc đến các điểm giao dịch gần nhất của các nhà mạng để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.