Thực hiện nhiệm vụ được giao về tổng hợp tình hình, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân và đề xuất sáng kiến, giải pháp cụ thể, đảm bảo căn cứ, khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, trong quý I/2023, Ban đã giao ban, tổng hợp thông tin từ trên 30 hiệp hội doanh nghiệp. Qua đó cho thấy, nổi lên một số nhóm vấn đề vướng mắc trong chính sách, khâu thực thi chính sách.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3, Ban IV cho hay, các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế, bao gồm: việc chậm hoàn thuế VAT (cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su,...); mức thuế VAT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế VAT cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá. Việc chậm cải thiện các chính sách thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa (như y tế, giáo dục...).
Xếp dỡ container tại Cảng Phước Long ICD. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị một số chính sách hoặc khâu thực thi chính sách trong nước chưa theo kịp diễn biến thị trường quốc tế, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các ngành và các doanh nghiệp nội địa. Cụ thể, các doanh nghiệp logistics và kinh doanh vận tải, cảng biển phản ánh sự chậm điều chỉnh các quy định liên quan giá bốc xếp cảng biển, thời gian lái xe kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp xuất khẩu ngành thép, may mặc, da giày, nhựa... phản ánh việc gặp khó khăn về thông tin và thực thi, đặc biệt đối với các yêu cầu mới của các thị trường quốc tế về chuỗi cung ứng, về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp. Nhiều Hiệp hội phản ánh sự lúng túng trong thực thi các quy định mới liên quan đến giảm phát thải trong nước và quốc tế.
Để giải quyết những nhóm vấn đề vướng mắc nêu trên, Ban IV cùng đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với doanh nghiệp ngay trong quý II và/hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu COVID-19... Từ đó, cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.
Đối với các vấn đề có nhiều diễn biến mới trên quy mô toàn cầu (như xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hay các quy định ràng buộc về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp...), Ban IV và hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đầu mối thiết lập các chuyên trang thông tin, hoặc chương trình giao ban định kỳ (hàng tháng, hàng quý) với doanh nghiệp để trao đổi thông tin hai chiều, nhằm giúp doanh nghiệp trong nước sớm định hình hướng đi, tận dụng mọi cơ hội, vượt qua các thách thức.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Uchyama Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP 2A, tỉnh Bình Dương). Ảnh tư liệu: Chí Tưởng/TTXVN
Liên quan tới giao ban định kỳ, từ đầu năm 2023, Bộ Ngoại giao cùng Ban IV đã thiết lập và vận hành chương trình giao ban giữa mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước với lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua ngoại giao kinh tế. Bộ Công Thương đã thiết lập và vận hành chương trình giao ban tháng giữa Tham tán thương mại Việt Nam ở các nước với đại diện các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Ban IV cho rằng, mô hình này cần được các bộ, địa phương nhân rộng hoặc phối hợp thực hiện để đảm bảo tính chủ động không chỉ của doanh nghiệp mà của chính các bộ, địa phương trong quá trình tham mưu, thực thi chính sách trong bối cảnh toàn cầu "biến động phức tạp, khó lường" như nhận định của Đảng, Chính phủ.
Nhằm chủ động vượt qua các khó khăn, thách thức mới, Ban IV và các Hiệp hội đã cùng các đối tác quốc tế, trong nước uy tín xây dựng và thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về kinh tế xanh/giảm phát thải, thực hiện các chương trình nghiên cứu, trao đổi thông tin, kết nối thị trường để nhận diện tình hình quốc tế, trong nước thời kì hậu COVID-19, tiến tới xác lập các giải pháp kĩ thuật nhằm tối ưu thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường thay thế...
Liên quan việc đẩy mạnh thực thi các cam kết của Chính phủ tại COP26, COP27, Ban IV cùng các hiệp hội doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, địa phương đưa ra các sáng kiến phát triển kinh tế xanh, đăng ký các hoạt động thí điểm trong doanh nghiệp các chuỗi ngành hàng, giữa doanh nghiệp với một số bộ, địa phương về giải pháp giảm phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả để nền kinh tế và doanh nghiệp cùng bứt phá.
Theo TTXVN/Báo Tin tức