Nhờ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong quý I/2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,67% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 2,88%; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng 9,95%; khu vực III (dịch vụ) tăng 9,24%. Nổi bật, hoạt động dịch vụ tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng, hoạt động kinh doanh sôi động, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, đi lại tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2023 tăng 19,8%, là mức tăng trưởng cao nhất các năm 2019-2023. Hoạt động sản xuất công nghiệp đạt dần mức tăng ổn định sau các năm biến động mạnh do ảnh hưởng bởi mức tăng cao của sản xuất điện. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 ước tăng 21,55% so với tháng trước và tăng 17,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chủ lực sản xuất và phân phối điện tăng 12,48%. Tính chung quý I/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,59% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong quý ổn định và an toàn. Huy động vốn và dư nợ tín dụng tiếp tục có sự tăng trưởng so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) vào ca sản xuất. Ảnh: V.M
Công tác đảm bảo an sinh xã hội, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và các lĩnh vực khác được triển khai có hiệu quả. Công tác giải quyết việc làm mới tiếp tục được quan tâm triển khai đồng bộ và gắn liền với phát triển KT-XH của từng địa phương. Trong quý, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 4.631 lao động, đạt 28,9% kế hoạch giao. Thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã giải quyết việc làm cho 305 người với số tiền giải ngân là 15,114 tỷ đồng. Tỉnh đã kịp thời giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội thực hiện được đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn thách thức đan xen bên ngoài cũng đã tác động đến nền kinh tế tỉnh. Hoạt động kinh doanh doanh nghiệp (DN) trong quý I/2023 với nhiều chỉ số thể hiện tín hiệu không lạc quan. Số DN đăng ký mới giảm 30% với số vốn đăng ký mới giảm 96,7%; số DN quay trở lại hoạt động giảm 36,8% so cùng kỳ và số DN tạm ngừng hoạt động tăng 25,9%. Hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh quốc tế, đơn hàng giảm mạnh...
Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết: Triển khai thực hiện nhiệm vụ quý II/2023, được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, áp lực lạm phát, nhu cầu thị trường chậm phục hồi. Trong nước sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường... Trong tỉnh, ngoài những thuận lợi từ việc phát huy hiệu quả các chủ trương, chính sách đã ban hành, các lĩnh vực đột phá đang triển khai, còn nhiều khó khăn từ tình hình biến đổi khí hậu bất thường; biến động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới; các ngành năng lượng tái tạo còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách giá điện, quy hoạch điện; chính sách thắt chặt nguồn cung cho vay bất động sản sẽ tác động đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản, khu đô thị, du lịch, kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận đóng gói tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Văn Miên
Để tạo bước đột phá trong tăng trưởng phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 đã đề ra, tỉnh cần quán triệt phương châm hành động, nêu cao tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao, phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển KT-XH, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Dự báo sát tình hình, chủ động linh hoạt trong điều hành, điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Khai thác những lĩnh vực còn dư địa cho tăng trưởng, đồng thời chủ động thích ứng, tháo gỡ khó khăn cho DN về thị trường, tín dụng, đất đai, chính sách đầu tư; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu, đầu tư vào Ninh Thuận; rà soát tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn; kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, hoặc không có khả năng thực hiện, nhất là các dự án du lịch. Quản lý chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất đai; tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức bán đấu giá các cơ sở nhà đất tạo nguồn thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách.
Xuân Bính