Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/1/2023 kết quả giải ngân VĐTC năm 2022 đạt 2.713,8 tỷ đồng, tương đương 91,7% kế hoạch trung ương giao và đạt 85,4% kế hoạch UBND tỉnh giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ (92,4%). Có 14 đơn vị giải ngân đạt trên 95% kế hoạch đạt mục tiêu Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, nhưng cũng có một số đơn vị giải ngân đạt rất thấp đó là: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân chỉ đạt 22,5%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn 53,3%, Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh 72,1%, UBND huyện Ninh Phước 76,7%. Một số dự án có mức vốn bố trí lớn nhưng giải ngân không đạt kế hoạch như: Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán 17,3%, hồ chứa nước Sông Than 57,4%, môi trường bền vững các thành phố duyên hải 71,6%.
Dự án Môi trường bền vững - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Anh Tuấn
Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp tỉnh giải ngân dưới 95%, không đạt mục tiêu giải ngân vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đề ra. Có nhiều khó khăn, hạn chế trong các khâu và quá trình thực hiện đầu tư công đó là khâu chuẩn bị đầu tư, lập kế hoạch vốn, chất lượng công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; khảo sát, thiết kế chưa sâu kỹ, dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, là điểm nghẽn, nhất là chính sách bồi thường có nhiều thay đổi, xác định giá đất còn chậm, công tác kiểm kê còn sai sót... làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Trong quá trình thực hiện dự án có một số nhà thầu thiếu năng lực, chây ì, chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư chưa sâu sát, bám sát tiến độ, kế hoạch đã cam kết để kịp thời tham mưu xử lý; chưa phối hợp chặt chẽ với nhà thầu trong công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng. Mặt khác, trong năm 2022 được trung ương giao bổ sung vốn lớn nhưng thời điểm giao vào cuối năm, trong đó nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giao tháng 6/2022 và nguồn vốn bổ sung ngân sách trung ương giao tháng 10/2022 nên khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án và phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn nhiều lần để giải ngân số vốn được giao...
Năm 2023, tỉnh ta được Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn trên 3.146,9 tỷ đồng; hiện nay tỉnh đã phân bổ chi tiết 2.762,694 tỷ đồng, đạt 87,7% kế hoạch (vốn trong nước 2.428 tỷ đồng và vốn nước ngoài 718,9 tỷ đồng). Đến ngày 10/3/2023 toàn tỉnh đã giải ngân được 201,367 tỷ đồng, đạt 6,4% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước 175,266 tỷ đồng, đạt 7,2% kế hoạch, vốn chương trình MTQG giải ngân 8,341 tỷ đồng (3% kế hoạch), vốn nước ngoài 26,101 tỷ đồng, đạt 3,6%. Khó khăn trong thực hiện giải ngân VĐTC năm 2023 đó là khối lượng VĐTC năm nay nhiều hơn năm trước, với nhiều nguồn vốn bổ sung và phải hoàn thành trong năm 2023 như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nhiều dự án quy mô lớn phải thi công hoàn thành trong năm 2023 nhưng khó khăn về khả năng cân đối vốn. Bên cạnh đó, các yếu tố như giá cả nguyên nhiên vật liệu dự báo tiếp tục biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu. Số vốn thực hiện chương trình MTQG năm 2023 khá lớn (gồm: 277,565 tỷ đồng của kế hoạch năm 2023 và 69,418 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 chuyển sang), trong khi đó nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình chưa đồng bộ gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.
Thi công hệ thống thoát nước trên đường 16 Tháng 4 (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm).
Xác định giải ngân VĐTC năm 2023 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, do đó UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công để bảo đảm tiến độ, giải ngân các chương trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bám sát các mục tiêu, căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định, phân bổ kế hoạch đầu tư công theo quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra thực địa, tổ chức giao ban với chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, nhất là tập trung giải quyết hoàn thành dự án còn nhiều vướng mắc. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để dự án chậm tiến độ, không giải ngân hết vốn, xử lý nghiêm các nhà thầu chây ì, thiếu năng lực thi công, chậm tiến độ. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư và giải ngân VĐTC. Bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án trọng điểm. Các sở, ban, ngành, địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tập trung xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh, nhất là tuyên truyền, vận động nhân dân, tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra về thực hiện kế hoạch VĐTC. Khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới để quyết định phân bổ chi tiết. Các dự án mới đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đã giao kế hoạch vốn năm 2023 phải khẩn trương triển khai công tác đấu thầu để giải ngân kế hoạch vốn. Các dự án khởi công mới chưa giao kế hoạch vốn, khẩn trương trình phê duyệt để có cơ sở giao vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Anh Tuấn