Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Quá trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn huyện dù mới khởi đầu nhưng đã đi đúng hướng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, hướng đến sự tiến bộ, văn minh của xã hội. Năm 2022, để cụ thể hóa các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS, UBND huyện phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, địa phương theo phương châm “rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ hoàn thành, rõ hiệu quả”; thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn và các thôn, khu phố.
Về hạ tầng số, 8/8 xã, thị trấn đã triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của Đảng và Nhà nước và kết nối mạng internet; 100% máy tính của cán bộ, công chức được kết nối để truy cập internet, các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, phần mềm chuyên ngành tại cơ quan, địa phương, trao đổi, xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử phục vụ cho công tác chuyên môn của ngành và địa phương; các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện đều được trang bị máy photo, máy in, máy scan... góp phần thay đổi được tư duy làm việc theo kiểu thủ công sang việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành của từng cán bộ, công chức, giúp tiết kiệm và rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm bớt thời gian hội họp bằng việc trao đổi ý kiến trên mạng, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác, từng bước hiện đại hóa nền hành chính. Duy trì sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến tại phòng họp UBND huyện và hội trường UBND 8/8 xã, thị trấn, rút ngắn được thời gian đi lại, hội họp của các xã, thị trấn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Ninh Sơn - Bác Ái hướng dẫn người nộp thuế
sử dụng hóa đơn điện tử và nộp thuế điện tử.
Về chính quyền số, các phòng, ban ngành thuộc UBND huyện, 8/8 UBND xã, thị trấn đã triển khai phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh; đã thực hiện liên thông 4 cấp, đáp ứng việc gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan trong hành chính nhà nước trên địa bàn huyện liên thông với nhau, giảm bớt giấy tờ trong việc chỉ đạo, giải quyết công việc; 100% cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện được cấp tài khoản trên hệ thống để xử lý công việc và tra cứu văn bản trên phần mềm. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn được cấp chứng thư số và chữ ký số cá nhân cho lãnh đạo, sử dụng ổn định và hiệu quả trên phần mềm TD.Office trong việc tiếp nhận, xử lý và phát hành văn bản điện tử trên phần mềm; 100% lãnh đạo các phòng, ban, ngành thuộc UBND huyện sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ. Phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của UBND cấp xã đưa vào hoạt động thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông trên môi trường mạng đảm bảo tròn quy trình theo đúng quy định hiện hành, đạt 100%. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức số được huyện chú trọng, tăng cường. UBND huyện mở chuyên mục CĐS trên Trang thông tin điện tử huyện Ninh Sơn để thông tin, tuyên truyền, đăng tải các nội dung về chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy về CĐS giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; các bộ tài liệu liên quan đến CĐS dành cho cấp xã; truyền thông những khái niệm cơ bản, tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của CĐS, công nghệ số...; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện mở chuyên mục riêng về CĐS, biên tập phát sóng các nội dung CĐS hằng tuần trên hệ thống truyền thanh huyện; các địa phương xây dựng chuyên mục về CĐS thiết thực và phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
Để tiếp tục thực hiện công tác CĐS tốt hơn, cũng như phấn đấu cải thiện chỉ số thành phần hiện đại hóa nền hành chính trong chỉ số cải cách hành chính huyện và chỉ số DTI cấp huyện vào nhóm dẫn đầu của tỉnh, năm 2023, huyện Ninh Sơn dành hơn 2,2 tỷ đồng cho công tác CĐS. Trong đó, ưu tiên thực hiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước, đảm bảo kết nối an toàn, tốc độ cao các mạng LAN với mạng internet băng thông rộng và mạng truyền số liệu chuyên dùng của huyện; tiếp tục nâng cấp hoàn chỉnh hạ tầng dùng chung, hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và nền tảng IoT; xây dựng nền tảng hạ tầng CNTT và truyền thông (ICT), xây dựng bước đầu hình thành đô thị thông minh cấp huyện; triển khai trang thông tin điện tử cho 3 địa phương cấp xã; nâng cấp, mở rộng hệ thống quản lý định danh và xác thực người dùng tập trung (SSO) phục vụ cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu hết năm 2023, có trên 65% người dân địa bàn huyện có hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám, chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy. Thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, đặc biệt là vùng nông thôn, đưa bà con nông dân buôn bán, cung cấp hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử...
Thanh Xuân