Tham dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Thời gian qua, công tác GNBV trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt, qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta vẫn còn ở mức cao, tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp thực hiện GNBV năm 2023 là hết sức cần thiết, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tập trung thực hiện các hoạt động cải thiện đa dạng sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với phương châm phát huy nội lực là chính, từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, phấn đấu “Vì một Ninh Thuận không còn người nghèo” theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TU của Tỉnh ủy.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chi Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ký kết chương trình phối hợp.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng 1 mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu GNBV, giai đoạn 2023-2025; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện mục tiêu quốc gia GNBV giai đoạn 2021-2025; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để các chương trình, kế hoạch phối hợp ký kết được triển khai thực hiện đạt hiệu quả, cần có sự tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng, tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, quyết tâm cao của các địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công tại các chương trình, kế hoạch. Chính quyền các địa phương, sở, ngành chức năng có trách nhiệm định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ và chia sẻ cho các chủ thể thực hiện các mô hình sinh kế trong suốt quá trình thực hiện; ngay từ đầu định hướng cho bà con lựa chọn thực hiện mô hình sản xuất phù hợp; chuyển giao, giúp bà con ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, hỗ trợ cho bà con tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, các tổ, hội, nhóm, hộ gia đình tham gia mô hình sinh kế cần phát huy vai trò chủ thể, phát huy nội lực, tích cực, sáng tạo, vượt lên khó khăn để thực hiện tốt mô hình. Các cấp, các ngành chức năng cần phối hợp để xây dựng nguyên tắc trong việc sử dụng, quản lý các nguồn vốn phục vụ công tác giảm nghèo, trong đó chú trọng việc lồng ghép vốn sự nghiệp và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp; đẩy mạnh xã hội hóa kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp chung tay thực hiện các mô hình giảm nghèo. Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại hạn chế; khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chỉ đạo hệ thống Mặt trận và hệ thống chính trị - xã hội các cấp tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.
Uyên Thu