Thách thức lớn nhất trong cuộc đua sản xuất lithium toàn cầu

Thiếu khả năng khai thác trở thành thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong việc đáp ứng nhu cầu bùng nổ đối với lithium – một nguyên tố then chốt trong sản xuất pin điện tử và các sản phẩm chuyển đổi xanh khác.

Theo đài Spuntik, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính có thể tìm thấy 98 triệu tấn lithium - thường được gọi là "vàng trắng" - bên dưới bề mặt Trái Đất.

Đầu tháng 3, Iran cho biết họ đã tìm thấy một mỏ chứa 8,9 triệu tấn lithium. Ngay sau thông báo của Tehran, Ấn Độ thông báo đã phát hiện ra một mỏ 5,9 triệu tấn lithium khác.

Tuy nhiên, bất chấp nguồn nguyên liệu thô giàu có, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tình trạng thiếu hụt nguyên tố đáng kể tính đến năm 2040.

Theo đó, công suất sản xuất hiện tại sẽ phải tăng ít nhất 3-4 lần để đáp ứng riêng nhu cầu về pin điện, trong đó mỗi pin cần khoảng 7-9 kg lithium. Doanh số bán ô tô điện dự kiến vào năm 2030 là ​​đạt 40 triệu chiếc/năm.

Một thợ mỏ chỉ vào một dòng lithium ở Cộng hòa Séc. Ảnh: AP

"Không hề thiếu lithium trong thạch quyển - lớp vỏ của hành tinh. Sự thiếu hụt duy nhất này xuất phát từ nguyên do các nhà máy hoặc mỏ chưa đủ khả năng khai thác hết”, Tim Worstall, nghiên cứu cấp cao của Viện Adam Smith nói với Sputnik. Chuyên gia chỉ ra so với năm 2021, số lượng lithium được tìm thấy trên thế giới đã tăng gần 10 triệu tấn từ 89 triệu tấn.

Vấn đề ở đây là phải tập trung vào việc chiết xuất và xử lý vật liệu thô. Như dự đoán của ông Worstall, phải mất ít nhất một thập kỷ để lithium của Iran mới ra được thị trường.

Theo Benchmark Mineral Intelligence (BMI), trung bình mất khoảng 4-7 năm để xây dựng một mỏ lithium trong khi chỉ mất có 24 tháng để xây dựng một nhà máy sản xuất pin điện tử.

Mới đây, Mỹ bắt tay xây dựng một mỏ lithium tại bang Nevada. Tuy nhiên, nơi này đã được phát hiện có lithium từ những năm 1970 song phải đến năm 2008 mới được thăm dò, triển khai và cấp phép.

Trước nhu cầu cấp bách về nguyên tố quý, chính quyền Tổng thống Joe Biden và các tập đoàn khổng lồ như GM và Tesla đã đầu tư hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất và củng cố chuỗi cung ứng lithium, cùng với đất hiếm và kim loại pin như đồng, niken, than chì và coban.

Đầu tuần này, ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS dự báo việc Trung Quốc tăng cường khai thác lithium có thể khiến nước này nằm giữ gần 1/3 nguồn cung toàn cầu vào giữa thập kỷ này. Theo UBS, Trung Quốc sẽ khai thác các nguồn tài nguyên ở châu Phi để nâng sản lượng hàng năm lên 705.000 tấn.

Bất chấp nhu cầu tăng cao mà cung chưa đáp ứng đủ, giá lithium cacbonat đã sụt giảm trong những tuần gần đây, giảm khoảng 50% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 11/2022.

Điều này có thể trở thành một “món quà” đối với các nhà sản xuất ô tô và sản xuất pin. Vào tháng 4/2022, Giám đốc điều hành Tesla tỷ phú Elon Musk trong một nội dung tweet phàn nàn giá lithium đã tăng đến mức điên rồ, từ 4.450 USD/tấn vào năm 2012 lên 78.000 USD/tấn vào năm 2022.

Trong khi đó, giá lithitum giảm lại khiến các công ty khai thác “méo mặt”, Họ cảnh báo nếu giá hàng hóa giảm quá thấp, họ sẽ không đủ khả năng trả chi phí thăm dò và phát triển. BMI dự đoán rằng ngành công nghiệp lithium sẽ cần đầu tư 42 tỷ USD vào cuối thập kỷ này để đáp ứng nhu cầu.

Theo TTXVN/Báo Tin tức