Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số ở huyện Thuận Bắc

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện Thuận Bắc đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình của từng cơ quan, đơn vị, bước đầu đem lại những kết quả tích cực.

Xác định yếu tố con người là trung tâm để thực hiện thành công trong CĐS của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, công tác tuyên truyền thời gian qua được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền về CĐS thông qua Trang thông tin điện tử huyện, Đài truyền thanh cơ sở và Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về CĐS đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Với quyết tâm thực hiện toàn diện các nhiệm vụ trong CĐS, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chính quyền số được quan tâm chú trọng, với tỷ lệ máy tính được trang bị đến nay tại cấp huyện là 86 máy, cấp xã 133 máy. Hệ thống máy tính từ huyện đến 6 xã đều triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của Đảng và Nhà nước và kết nối mạng Internet, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác ứng dụng CNTT tại đơn vị. Đặc biệt, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, huyện đưa vào hệ thống truyền hình phục vụ các cuộc họp trực tuyến từ huyện đến các xã đã rút ngắn được thời gian đi lại, nhất là các xã ở miền núi Phước Kháng, Phước Chiến, Công Hải và triển khai hiệu quả hệ thống phòng họp không giấy, phục vụ trong các kỳ họp HĐND huyện. Tổ chức lắp đặt các trang thiết bị thu, phát sóng Wifi tại trụ sở chính của UBND huyện và tại bộ phận một cửa, thúc đẩy quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn qua hệ thống một cửa, một cửa liên thông.

Cán bộ, công chức huyện Thuận Bắc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.

Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Ban cơ yếu Chính phủ cấp 80 chứng thư số chuyên dùng cho các tổ chức, cá nhân của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã để sử dụng quản lý văn bản; nhờ đó, trên 90% văn bản, tài liệu chính thức giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử và được xác thực bằng chữ ký số. Ngoài các ứng dụng được triển khai chung cho huyện, nhiều phần mềm quản lý chuyên ngành cũng được áp dụng như: Phần mềm quản lý đất đai của Phòng Tài nguyên và Môi trường, phần mềm quản lý khiếu nại tố cáo của Thanh tra, phần mềm quản lý hộ tịch của Phòng Tư pháp, phần mềm giảm nghèo và bảo trợ xã hội của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với lĩnh vực xây dựng xã hội số, điểm nhấn của huyện là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học; khám, chữa bệnh. Hiện nay, có 100% các trường học đều ứng dụng các phần mềm thiết kế giáo án điện tử, phần mềm phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành. Trung tâm Y tế huyện mở tài khoản để thực hiện thanh toán điện tử không sử dụng tiền mặt và lắp máy Poss quẹt thẻ tại phòng thu viện phí. Tổ chức tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cho Trạm y tế Bắc Phong ở mức độ 1; đồng thời, triển khai đồng loạt việc tiếp nhận khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp thay thế thẻ Bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, huyện tăng cường chỉ đạo Công an huyện phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Theo đó, tiến độ số hóa hồ sơ tàng thư cư trú đến hết tháng 2/2023 được 3.761/11.108 hồ sơ; nhập và làm sạch dữ liệu về đăng ký xe 23.750 phương tiện, đạt tỷ lệ 100%. Toàn huyện đã thu nhận hồ sơ CCCD cho 34.389/34.865 trường hợp đủ điều kiện cấp căn cước công dân, đạt 98,63%; tiến hành thu nhận hồ sơ, cung cấp tài khoản định danh điện tử cho 3.854 trường hợp.

Đồng chí Trần Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện CĐS còn những khó khăn, tồn tại như ngân sách đầu tư cho ứng dụng CNTT hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn chưa nhiều; do đặc thù huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên quá trình tiếp cận với phương pháp mới, hiện đại còn hạn chế…

Trong thời gian tới, huyện tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về CĐS; rà soát cơ sở vật chất, bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị máy móc để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho việc ứng dụng CNTT, CĐS tại huyện. Thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, đảm bảo 100% doanh nghiệp trên địa bàn đều sử dụng hóa đơn điện tử.