Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

Thực hiện chương trình chuyển đổi số, tỉnh ta đã chủ động ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhờ tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp thời gian qua sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) vận hành ổn định, thông suốt, đáp ứng được yêu cầu phục vụ ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh trong thời gian qua. Đến nay, hệ thống văn bản và điều hành được xử lý trên môi trường mạng đạt 98,65% đối với cấp tỉnh, 90,26% đối với cấp huyện và 74% đối với cấp xã. Hội nghị truyền hình trực tuyến đã kết nối liên thông 4 cấp từ trung ương, tỉnh, huyện và 65/65 xã, phường, thị trấn. Triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh và hệ thống phần mềm họp không giấy bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành. Trong năm 2022, trên hệ thống dịch vụ công tỉnh tiếp nhận 177.427 hồ sơ, trong đó 128.034 hồ sơ trực tiếp, 49.393 hồ sơ qua mạng và dịch vụ bưu chính công ích.

Xác định được tầm quan trọng của CĐS, thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh CĐS trong các hoạt động của ngành như: Xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT, ứng dụng chữ ký số, hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử TD.Office trong giải quyết công việc. Thực hiện tiếp nhận, giải quyết bộ thủ tục hành chính (TTHC) của sở trên Trang dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông tỉnh đối với 122 TTHC công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và DN. Trong công tác xúc tiến thương mại, hoạt động CĐS được đẩy mạnh, xây dựng và duy trì hoạt động sàn thương mại của tỉnh, hỗ trợ các DN, hợp tác xã mở gian hàng trực tuyến và tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn vận hành để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân, DN.

Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và điều hành
đô thị thông minh tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với các sở, ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác CĐS, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, góp phần thực hiện CĐS. Đến nay, 100% cán bộ, công chức sử dụng phần mềm xử lý công việc. Trong năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận 9.887 hồ sơ, trong đó có 5 hồ sơ trực tuyến, đã giải quyết đạt 100%, tất cả hồ sơ và kết quả giải quyết đều được số hóa 100%. Bên cạnh đó, triển khai cung cấp ứng dụng quét mã QR để tra cứu thông tin TTHC đất đai phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện. Để từng bước hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Tính tới thời điểm hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai của 18/31 xã, phường được đánh giá dữ liệu đạt yêu cầu và đã chuyển sang tích hợp tại Trung tâm tích hợp của tỉnh để triển khai vận hành thử nghiệm. Triển khai tích hợp dữ liệu không gian địa chính và chạy vận hành trên Trung tâm tích hợp của tỉnh được 26 xã, phường/4 huyện, thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, tạo nhiều tiện ích thuận lợi cho người dân và DN và hiệu quả trong giải quyết TTHC.

Thực hiện chiến lược CĐS, tỉnh còn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng nền tảng số đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, DN, sự chuyển đổi của chính quyền. Đẩy mạnh công khai hạ tầng mạng di động 5G. Đến nay, hệ thống cáp quang để cung cấp internet cố định và internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn trên địa bàn tỉnh. Đã triển khai phát sóng 5G tại 75 trạm BTS, là một trong 22 tỉnh được triển khai trên toàn quốc; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh 431.172 máy/596.049 dân, đạt 72,34%; tỷ lệ dân số trên 15 tuổi có điện thoại thông minh đạt 97,36%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng đạt 75%.

Về kinh tế số, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, có 50 DN đã lên các sàn thương mại điện tử trong nước. Hỗ trợ 3 DN xuất khẩu tham gia sàn thương mại điện tử nước ngoài Alibaba; xây dựng 7 bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh cho 7 DN, hợp tác xã, cơ sở bán hàng trực tuyến. Đối với hộ sản xuất nông nghiệp, đã thực hiện thu thập thông tin và mở 17.542 tài khoản mua, bán trên sàn Postmart, có 61 gian hàng (tài khoản bán) với 195 sản phẩm; phổ biến, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho 100% hộ có tài khoản bán. Qua đó, giúp người dân, các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Để tiếp tục đẩy mạnh CĐS hướng tới thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban điều hành CĐS tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện CĐS năm 2023, đề ra nhiệm vụ trọng tâm là quán triệt, tuyên truyền sâu sắc chủ đề của Ủy ban Quốc gia về CĐS, năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Ban điều hành CĐS tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, DN, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân triển khai các dịch vụ chính quyền số, ưu tiên các sản phẩm, giải pháp, công nghệ “Made in Vietnam” trong các hệ thống chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút nguồn nhân lực CNTT có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về làm việc tại địa phương. Đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng, kết nối và chia sẻ dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, DN.