Tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng, nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong gần 3 năm qua, đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc tổ chức lớp học nhưng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) đã cố gắng khắc phục khó khăn, đổi mới các phương thức tổ chức lớp học nên cơ bản vẫn đáp ứng được các nhu cầu học tập của các hội viên, nhà báo trên toàn quốc.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tham quan gian trưng bày của TTXVN tại Hội Báo toàn quốc 2023. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
“Từ năm 2020-2022, trung tâm đã tổ chức được 333 lớp học dành cho hơn 10.000 lượt học viên trên cả nước. Đây là những con số hết sức ấn tượng và là động lực quan trọng tạo đà cho trung tâm tiếp tục bứt phá trong những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thiết thực liên quan đến các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện nay. Trong đó, nhiều ý kiến chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ mà các cơ quan báo chí cũng như các cấp hội ở địa phương đang gặp phải; những đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm giúp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo trong thời gian tới.
Nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) tăng cường khóa đào tạo về các phương pháp làm báo hiện đại, đưa công nghệ số vào trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ báo chí.
Tương tự, nhà báo Phó Cẩm Hoa, Chi hội Đài tiếng nói Việt Nam cho rằng, Hội Nhà báo Việt Nam nên có lớp đào tạo dành cho đội ngũ quản lý, bởi lẽ, để có cơ quan báo chí tốt phải có quản lý giỏi. Trên thực tế, nhiều phóng viên ở các địa phương, sau khi tham gia các lớp đào tạo, về đơn vị viết bài lại không được duyệt, như vậy, việc đào tạo không có ý nghĩa. Bà Phó Cẩm Hoa đề xuất, Hội Nhà báo Việt Nam cần nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí trước khi đào tạo phóng viên. Ví như, tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ nâng cao, đi sâu vào chuyên môn cho các lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng - là những người trực tiếp duyệt tin bài; tổ chức đào tạo về tầm nhìn tổng thể và xu hướng báo chí, công tác quản lý dành cho lãnh đạo tầm cao là các giám đốc, phó giám đốc các đài, tổng biên tập…
Tại Tọa đàm, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, đào tạo phải gắn với thực tế trực tiếp của từng tòa soạn, khu vực, đào tạo những nhà báo đang tác nghiệp tại các tòa soạn về phương thức tác nghiệp, công tác đào tạo phải giảm lý thuyết và tăng tính thực tiễn. Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho phóng viên đa năng, nghĩa là một phóng viên có thể thực hiện nhiều loại hình báo chí như tin text, ảnh, video, đồ họa, báo chí dữ liệu… nhằm tăng hiệu quả khi tác nghiệp và tiết kiệm nhân lực.
Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cũng kiến nghị Hội Nhà báo Việt Nam trang bị kỹ năng cho các phóng viên kỹ năng tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm như thiên tai, dịch bệnh… sao cho an toàn mà vẫn hiệu quả. Hội Nhà báo Việt Nam có thể mời các chuyên gia quốc tế, đại diện các cơ quan báo chí nước ngoài tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi về vấn đề chuyển đổi số báo chí, mô hình và cách thức hoạt động của các tòa soạn báo trên thế giới, các hình thức kinh doanh báo chí hiệu quả có thể áp dụng vào Việt Nam.
Trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, các tòa soạn đã dần chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số thông qua những ứng dụng, nền tảng số. Do vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Tọa đàm lần này là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nâng cao công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các hội viên, nhà báo trong thời đại chuyển đổi số hiện nay.
Theo TTXVN/Báo Tin tức