Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là chiến lược, định hướng lớn của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Để hoàn thành chiến lược nói trên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, trong đó đội ngũ cán bộ (CB) làm công tác văn hóa và văn nghệ sĩ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cổ vũ, lan tỏa và đưa các hệ giá trị thấm sâu vào cuộc sống.
Hơn 22 năm “cầm cọ” chuyên nghiệp, Thạc sĩ - Họa sĩ Chế Kim Trung, dân tộc Chăm đã gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động mỹ thuật với 31 giải thưởng cấp khu vực và toàn quốc; trong đó, có 5 giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT), báo chí về chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ, dành trọn tài năng, tâm huyết và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, quê hương, đất nước của người nghệ sĩ. Ngoài hội họa, họa sĩ Chế Kim Trung còn dành tâm huyết nghiên cứu, thiết kế hàng ngàn mẫu mã mới mang tính ứng dụng cao, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm gốm Bàu Trúc, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Những nỗ lực, đóng góp của chị đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm tốt hơn trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đã có thành tích trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc từ năm 2004 đến 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên dương các tập thể, cá nhân đạt thành tích tại
Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022. Ảnh: S.Ngọc
Xây dựng, phát triển VHNT, thời gian qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã nỗ lực sáng tác nhiều tác phẩm bám sát thực tiễn quê hương, đất nước, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có giá trị cao, được Chủ tịch nước, Ban tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các hội chuyên ngành trung ương trao tặng nhiều giải thưởng. Điển hình như Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT vào tháng 5/2017. Đây là phần thưởng cao quý, là thành quả trân trọng và đầy tự hào về nghiên cứu văn nghệ dân gian của tỉnh Ninh Thuận; Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, đạt nhiều giải về văn học, được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tác VHNT; được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng “Nhà văn nữ ấn tượng trong năm 2022”... Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, trong năm 2022, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh (với trên 230 hội viên) tiếp tục vận động, tuyên truyền hội viên tích cực sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương, qua đó đã tuyển chọn được 10 tác phẩm tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đợt I, giai đoạn 2021-2025.
Góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc còn có đội ngũ nghệ nhân, nhất là nghệ nhân ưu tú trên các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sau 3 lần xét tặng, đến nay, tỉnh ta có 28 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, chủ yếu trên các lĩnh vực: Chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc Chăm, Raglai, ngôn ngữ, chữ viết, thực hành nghi lễ, văn hóa dân gian, sử thi, nghệ thuật làm gốm, đờn ca tài tử... Đội ngũ nghệ nhân ưu tú không chỉ là “hạt nhân” tiêu biểu tích cực tham gia các phong trào, hoạt động biểu diễn VHNT, mà còn nhiệt huyết trong truyền nghề, góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ mai sau.
Các văn nghệ sĩ biểu diễn các tiết mục truyền thống của dân tộc Chăm. Ảnh: Văn Nỷ
Đối với đội ngũ CB làm công tác văn hóa, hiện nay, toàn tỉnh có 103 CB, công chức, viên chức làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trực thuộc, thuộc các lĩnh vực: Bảo tàng, thư viện, biểu diễn nghệ thuật, tuyên truyền, quản lý văn hóa... Nhìn chung, đội ngũ CB làm công tác văn hóa cấp tỉnh có chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đối với cấp huyện, thành phố, phòng văn hóa - thông tin biên chế từ 4-5 người/địa phương; trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh biên chế từ 10-15 người/địa phương (tùy quy mô dân số). Ở cấp xã, hiện nay, các địa phương đều bố trí 1 CB, công chức tham mưu nhiệm vụ văn hóa - thông tin... Trong những năm qua, đội ngũ CB văn hóa đã xác định trách nhiệm và tập trung làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực phụ trách đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Đơn cử như năm 2022, đã triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sưu tầm, lưu trữ hình ảnh, phim tư liệu và phục hồi tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh; tham gia trưng bày, triển lãm lưu động “Nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm và dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận” trong khuôn khổ Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022 đoạt 1 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc; phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và Thư viện tỉnh xuất bản sách “Khảo cứu văn hóa dân gian người Chăm” (tập 1); tham dự trưng bày “Sắc màu di sản tỉnh Ninh Thuận” trong chuỗi các hoạt động triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” tại Quảng Nam...; đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng các chương trình nghệ thuật, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện đạt ấn tượng, hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc trên vùng đất Ninh Thuận.
Lâm Anh