Đọc văn tế đức Khổng Tử và các vị đại khoa được phối thờ ở Văn miếu Mao Điền.
Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Lễ hội nhằm tri ân các bậc đại khoa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc.
Văn miếu Mao Điền là di tích lớn thứ hai trong hệ thống Văn miếu Việt Nam, nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng từ thế kỷ XV tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An và đến thời Quang Trung cuối thế kỷ XVIII được di chuyển về xã Mao Điền, sáp nhập với trường học, trường thi và trở thành nơi đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sĩ nho học đứng hàng đầu cả nước.
Văn miếu Mao Điền thờ Đức Thánh Khổng Tử - ông tổ của đạo Nho và phối thờ 8 vị đại khoa tiêu biểu: Thầy giáo Chu Văn An - người thầy của muôn đời; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh; Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh; Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Thần toán Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Hữu; Trình quốc công, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam (thời Mạc).
Các em học sinh về Văn miếu Mao Điền xin chữ thánh hiền.
Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay Văn miếu Mao Điền vẫn được gìn giữ và phát huy các giá trị, trở thành nơi tôn vinh đạo học, trọng trí tuệ, trí nhân, trọng hiền tài của xứ Đông xưa. Di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt vào năm 2017, một biểu tượng cho Văn hiến xứ Đông. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động khuyến học như gặp mặt, vinh danh các tiến sĩ xứ Đông thời kỳ mới, các hoạt động dâng hương, biểu dương học sinh giỏi và các chương trình hội thảo khoa học giáo dục. Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền được tổ chức vào ngày 17-18/2 âm lịch hàng năm, thu hút đông du khách thập phương, nhân dân địa phương và đại diện các dòng họ hậu duệ có tiến sĩ lưu danh tại Văn Miếu về tham gia.
Sau lễ dâng hương là nghi thức Lễ chữ dâng Thánh với sự tham gia của đội lễ chữ thôn Mậu Tài, xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, dâng 4 chữ “Tôn sư trọng đạo”. Nghi thức thể hiện tấm lòng tri ân các bậc tiên hiền, coi trọng sự học, đề cao truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam và vùng đất xứ Đông xưa, Hải Dương nay.
Lễ hội năm nay bên cạnh các nghi lễ truyền thống, trình diễn và giao lưu nghệ thuật viết thư pháp, thi rung chuông vàng tìm hiểu lịch sử di tích và danh nhân được thờ tại Văn miếu, hội thi viết chữ đẹp, hát quan họ trên thuyền, các trò chơi dân gian... còn có điểm mới là trưng bày, giới thiệu 20 sản phẩm OCOP của huyện Cẩm Giàng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức