“Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai” xã Phước Hà di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 2/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành Quyết định số 149/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia. Đây là tin vui đối với cán bộ, nhân dân xã Phước Hà qua thực hiện hiệu quả việc gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà, cho biết bà con vui mừng khi hay tin “Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai” địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia năm 2023. Đây là niềm vinh dự và tự hào của đồng bào Raglai trong việc gìn giữ tập quán tốt đẹp - nét đẹp văn hóa truyền thống được ông bà xưa truyền lại cho con cháu ngày nay. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vận động bà con tiếp tục đoàn kết chung tay chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Các nghệ nhân xã Phước Hà tái hiện nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai địa phương.

Trao đổi với Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh, chúng tôi được biết trước đây việc thực hiện nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới được tổ chức theo quy mô gia đình, tộc họ. Việc tổ chức tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, tộc họ có thể diễn ra hằng năm hoặc vài ba năm tổ chức một lần, thời điểm ăn đầu lúa cũng tùy theo gia đình. Nhận thấy nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới có tầm quan trọng trong đời sống tín ngưỡng nên từ năm 2021, cấp ủy và chính quyền xã Phước Hà vận động các gia đình, các tộc họ tổ chức thống nhất vào dịp tết Nguyên đán hằng năm. Đây là lúc thu hoạch xong mùa màng, con cháu làm ăn, học tập ở các nơi về quê đón tết truyền thống, kết hợp tham gia hoạt động nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới. Tính đến nay, toàn xã đã có mười tộc họ thực hiện nghi lễ ăn đầu lúa mới như: Tà Thía, Ka Dá, Tà Yên, Ô Rai, Bà Râu...

Vật phẩm nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới (Bbâk Akok Padai) được gia chủ đặt ra 3 mâm cúng gồm có thần lúa, ông bà tổ tiên, mã la. Mỗi mâm cúng lễ vật như nhau: Lúa trồng trên nương rẫy giã ra gạo nấu cơm mới, gà luộc, cua luộc, rượu cần, trứng gà, trầu cau, thuốc hút, hạt cườm, vải, vòng đeo tay, kiềng đeo cổ, cây nêu, dây lục lạc, cám gạo, canh lá bép hoặc canh đu đủ, giã lúa rang vàng làm thành bánh apéc. Bánh apéc được gia chủ ngâm lúa rẫy qua một đêm, rang vàng rồi giã nhuyễn thành bánh, có ý nghĩa quan trọng trong vật phẩm ăn đầu lúa mới. Người chủ lễ (kây tru) trình mâm cúng vái gọi thần lúa, thần núi, thần mặt trời, ông bà tổ tiên về vui hưởng lễ cúng ăn đầu lúa mới. Thần linh chứng kiến lòng thành con cháu, phù hộ mưa thuận, gió hòa, bắp lúa được mùa, gia súc đầy đàn, xóm làng no ấm, gia đình mạnh khỏe, thôn xóm bình yên. Trong lúc chủ lễ làm nghi thức cúng, các nghệ nhân thổi kèn bầu và vỗ mã la có tiết tấu rộn ràng, vui tươi. Sau khi thực hiện nghi thức cúng thần linh, ông chủ lễ ăn một chén cơm gạo lúa mới với canh rồi mời bà con tộc họ có mặt trong nghi lễ ăn cơm, uống rượu cần...

Lễ ăn mừng đầu lúa mới diễn ra một đêm tại nhà người đứng đầu tộc họ, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau thì cúng “Tó tra no”, cúng hạ niêu. Lễ vật hạ niêu gồm cơm canh mới nấu và rượu cần, thịt gà mới. Chi phí nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới khoảng 4-5 triệu đồng do tộc họ đóng góp. Lễ ăn mừng đầu lúa mới có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp bà con gặp nhau thăm hỏi vào dịp đầu năm mới, khen thưởng con cháu đạt thành tích cao trong học tập, gắn kết tình thân tộc giúp vốn làm ăn, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng thôn xóm giàu đẹp,...

Đồng chí Tà Thía Banh cho biết thêm, với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức cơ sở đảng và với vai trò nghệ nhân ưu tú, ông tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân gìn giữ tập quán tốt đẹp của nghi lễ ăn đầu lúa mới. Thống nhất các tộc họ tổ chức nghi lễ vào dịp tết Nguyên đán, thu hút du khách đến tham quan hoạt động văn hóa thuộc DSVH phi vật thể quốc gia. Đồng bào Raglai xã Phước Hà một lòng son sắt đi theo Đảng làm cách mạng, theo con đường Bác Hồ lựa chọn. Qua 80 năm thực hiện Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng năm 1943, đã tạo nền tảng tư tưởng vững chắc cho cán bộ và nhân dân địa phương bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.