80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam Xây dựng, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần mà nó còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước.

Việt Nam có nền văn hóa, văn hiến lâu đời

Văn hóa Việt Nam là tổng thể những những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S này sáng tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử. Những giá trị ấy kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo thành những truyền thống, những phong tục, tập quán, những ứng xử... làm nên bản sắc của dân tộc và sự chủ động hội nhập vào dòng chảy văn minh nhân loại.

Xuất phát từ những điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử hết sức đặc biệt, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam có những giá trị, phẩm chất độc đáo. Đó là nồng nàn yêu nước nhưng hết sức nhân văn; đó là anh hùng trong chiến đấu nhưng tinh tế trong ứng xử; đó là sáng tạo trong lao động nhưng giản dị trong lối sống; đó là tinh thần cố kết cộng đồng, là lòng khoan dung, cởi mở, giàu năng lực tiếp biến... Những giá trị văn hóa ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, cùng chung tay dựng xây đất nước, cùng ra sức bảo vệ non sông, cùng chia sẻ những nỗi đau trong thiên tai, địch họa, cùng khát vọng về một cơ đồ tươi sáng “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Văn hóa Việt Nam là sự thống nhất trong đa dạng sắc thái văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc. Tính thống nhất không triệt tiêu tính đa dạng, mà là cơ sở để tính đa dạng được thể hiện phong phú hơn, có môi trường bộc lộ tốt hơn thông qua giao thoa văn hóa, sự học hỏi và tiếp thu lẫn nhau giữa các dân tộc.

Nền văn hóa Việt Nam thể hiện rõ tính thống nhất một nền văn hóa quốc gia-dân tộc, chống kỳ thị, cưỡng bức văn hóa của dân tộc này đối với dân tộc khác. Cho dù nhiều tộc người thiên di vào lãnh thổ Việt vào những thời kỳ lịch sử khác nhau, có tộc người đến sớm từ hàng nghìn năm, có tộc người đến từ vài trăm năm nay, nhưng đã sinh sống trên dải đất hình chữ S đều chung một ký ức về cội nguồn tổ tiên, đều là đồng bào cùng nhau kết nối vòng tay đoàn kết bằng sự hiểu biết, thủy chung, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử dựng nước, giữ nước, trong đó có thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc. Nhưng sức sống mạnh mẽ của nguồn cội văn hóa bản địa đã giúp nền văn hoá Việt Nam không bị mất đi, không bị đồng hoá trước những nền văn hoá ngoại lai, trái lại còn Việt hoá làm phong phú thêm cho nền văn hóa của dân tộc.

Từ rất sớm văn hóa được coi là một trong những trụ cột quan trọng

Nhận thức được đúng tính chất, vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng ta từ rất sớm đã luôn coi văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng cần có sự quan tâm đầy đủ và đồng bộ để tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong quá trình phát triển. Ngay từ năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa là một trong ba mặt trận chính trị - kinh tế - văn hóa; và chủ trương phát triển văn hóa theo hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, theo Người, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần được coi trọng ngang nhau, đó là chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Người khẳng định, “chính trị nghĩ rộng cũng là văn hóa và văn hóa nghĩ sâu cũng là chính trị”. “Văn hóa cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Quan điểm này được Đảng ta liên tục kế thừa, bổ sung, phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX tiếp tục khẳng định và làm rõ thêm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Kinh nghiệm thực tiễn quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thời kỳ đổi mới đất nước đã cho chúng ta những bài học về tài năng, năng lực “kích hoạt” động lực văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Bốn nhân tố: tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước đều là giá trị văn hóa truyền thống quý báu, lâu đời của dân tộc và chính là những giá trị văn hóa cốt lõi trong hệ giá trị văn hóa, hệ động lực do văn hóa Việt Nam tạo ra.

Đại hội XIII của Đảng xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”. Đảng ta xác định chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong thời gian tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định và định hướng phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII)...

Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển

Trong mỗi bước ngoặt của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng phát huy vai trò của văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc nhằm biến khát vọng thực hiện các mục tiêu chính trị thành hiện thực. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây, Đảng ta đã tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân để khơi dậy khát vọng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp là tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"; trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ là "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"... Tinh thần đó, khát vọng đó đã giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành được những chiến thắng mang tầm thời đại.

Rõ ràng, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam, là mục tiêu, là động lực phát triển của lịch sử Việt Nam. Nói cụ thể là, cái nền tảng, cái mục tiêu, cái động lực đối với Việt Nam suốt từ thời cổ đại không phải là gì khác, ấy chính là: nghĩa đồng bào, vì nước quên mình, trừ bạo an dân, tinh thần đoàn kết rộng rãi... Vũ khí tinh thần ấy, vũ khí văn hóa cơ bản nhất ấy được hun đúc và tiếp tục được lưu truyền và ngày càng trở thành hùng khí quật khởi đặc biệt ở vào những bước ngoặt lịch sử dân tộc, để Việt Nam ta ngày càng có vị trí quan trọng trên trường quốc tế.

Đồng hành với lịch sử dân tộc, sự vận động của văn hóa Việt Nam ngày càng sinh động với sự lan tỏa, thăng hoa rộng lớn, với chiều sâu thẳm tạo dựng nên gương mặt Việt Nam, với trí tuệ, khí phách, cốt cách, phong thái và bản lĩnh Việt Nam không thể trộn lẫn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập toàn cầu. Diễn đạt một cách xác đáng, đó chính là văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, là "tấm văn cước" dân tộc hội nhập quốc tế đầy thách thức "mất, còn" hiện nay.

Mặt khác, văn hóa còn mang trong nó tính vượt trước hay tính tiên phong so với kinh tế - xã hội (KT-XH). Ở góc nhìn này, chúng ta thấy nổi bật lên những vấn đề về thế giới quan, về chính trị, về khoa học và công nghệ, về giáo dục, về mô thức ứng xử dân tộc... thuộc phạm trù văn hóa tinh thần, xét trong sự vận động tổng thể của toàn bộ đời sống KT-XH đất nước. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".

Như vậy có thể khẳng định, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà đồng thời là một động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, một mục tiêu phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 

Theo TTXVN