Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 236 điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (SDĐ); địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; thu hồi đất, trưng dụng đất, giao, cho thuê, chuyển mục đích SDĐ; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Đây là dự thảo luật đặc biệt quan trọng, có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai ban hành năm 2013.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự nhất trí với bố cục nội dung, kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản trong dự thảo luật và cho rằng chủ trương sửa đổi Luật Đất đai là hết sức cần thiết để nâng cao công tác quản lý và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Đồng thời, tập trung thảo luận, đóng góp ý xoay quanh các vấn đề như: Quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; đề nghị bổ sung quy định cụ thể số năm nhận khoán hoặc cho thuê đất; mở rộng hạng mức chuyển nhượng đất; chính sách đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bổ sung việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ các cấp phải đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; quy định về thẩm quyền xử lý, giải quyết tranh chấp đất đai...
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp; qua đó, cho thấy sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu dự thảo luật, phân tích đánh giá từng nội dung cụ thể, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi phù hợp các nhóm vấn đề bằng văn bản gửi về cơ quan tổng hợp; đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm ghi chép đầy đủ các ý kiến góp ý và xây dựng hoàn thiện báo cáo để UBND tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo tiến độ theo quy định.
Hồng Lâm