Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 2/2023, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10% kế hoạch vốn được giao. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%); Tiền Giang (trên 21%); Lâm Đồng (20,31%)... Hiện có 50 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%; trong đó có 44 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn như: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ…
Như vậy, tiến độ giải ngân 2 tháng đầu năm mới đạt 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (đạt tỷ lệ lần lượt là 8,04% và 8,61%).
Đề cập vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm được các bộ, ngành, địa phương đưa ra là do vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023.
Bên cạnh đó, một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi ngân sách địa phương. Trong tháng 2/2023, các bộ, ngành, địa phương vẫn tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng tiếp theo, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc phân bổ vốn theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ. Đó là phải ưu tiên thu hồi vốn ứng trước. Tiếp đến là thanh toán toàn bộ các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang chờ quyết toán; dự án đã quyết toán đang còn thiếu vốn; dự án hoàn thành trong kế hoạch 2023. Đây chính là yếu tố để cho “tiền đi ngay” và tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Với những dự án chuyển tiếp thì rà soát, ưu tiên, tập trung bố trí vốn cho các dự án mang tính chất liên vùng, trọng điểm, không bố trí vốn dàn trải, manh mún. Đối với các dự án khởi công mới phải đáp ứng đủ các tiêu chí như: đầy đủ thủ tục đầu tư, không bị vướng mặt bằng xây dựng... Đây là khâu tiên lượng về kế hoạch vốn và khả năng thực hiện dự án để tránh tình trạng chia đều vốn cho các dự án, nhưng vướng mắc các thủ tục đầu tư và không giải ngân được. Còn đối với các công trình trọng điểm phải thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Các yếu tố này được giải quyết sẽ là bước đột phá cho tiến độ giải ngân.
Hiện nay, các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Theo TTXVN/Báo Tin tức