*Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:
Theo tôi, Dự thảo Luật lần này được xây dựng bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại các nghị quyết, kết luận và tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý nước về đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Về bố cục, kết cấu, vị trí các chương, điều, khoản của Dự thảo Luật cơ bản phù hợp, lôgic, khoa học, chặt chẽ, ngôn ngữ diễn đạt dễ hiểu.
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, tôi đề xuất một số kiến nghị cần nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh trong Dự thảo Luật về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Trong đó, phải kể đến tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến; nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới. Vì vậy, cần làm rõ hơn nội dung về quyền bình đẳng giới trong sử dụng đất đai, đưa vào dự thảo Luật cụ thể hơn vai trò, vị trí của Hội LHPN Việt Nam trong việc giám sát thực hiện quyền về bình đẳng giới trong việc sử dụng đất đai.
Về quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất: Nghị quyết số 18-NQ TW đã nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH trong xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, dự thảo lần này chỉ có 3 Điều (85, 86, 87) quy định vai trò các tổ chức thành viên của Mặt trận (trong đó có Hội LHPN), chủ yếu là vai trò vận động, thuyết phục hòa giải, chưa nêu rõ vai trò giám sát, phản biện xã hội theo nghị quyết. Vì vậy, tôi đề xuất quy định rõ hơn vai trò MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức CT-XH khác tham gia bắt đầu từ giai đoạn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt; quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của MTTQ, các tổ chức CT-XH trong phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội n
* Ông Võ Văn Phải, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh:
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, bản thân cơ bản thống nhất như dự thảo của Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên cần bổ sung một số nội dung như, tại Điều 68 của Dự thảo Luật về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, lấy ý kiến và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tôi đề nghị việc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã, phường, thị trấn. Việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo khoản 2 Điều 89 có nêu “nguyên tắc bồi thường về đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, thông qua quy định trước chỉ thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư”, như vậy là rất hợp lý, là chính sách hợp lòng dân. Ngoài ra, trong dự thảo Luật còn sử dụng từ “hộ” và “hộ khẩu”, theo Luật cư trú (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), hộ khẩu không còn hiệu lực, như vậy từ “sổ hộ khẩu” và “hộ gia đình” không còn sử dụng đề nghị bỏ thuật ngữ này. Các căn cứ khoản, điều tại dự thảo Luật này, nên chỉ dùng cụm từ “gia đình, cá nhân thường trú” thay vì “hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú”.
Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định “Bỏ khung giá đất, có cơ chế phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường” vì vậy đề nghị Luật Đất đai nên quy định việc “định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Việc xác định giá thị trường phải được lấy ý kiến nhiều thành phần, đối tượng trong vùng thu hồi đất như những người am hiểu kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề này, những người có uy tín trong vùng thu hồi đất. Tránh tình trạng lấy giá trong hợp đồng mua bán tại các phòng công chứng làm giá thị trường, như vậy chưa phản ánh đúng giá của thực tế thị trường hiện nay.
Về phân cấp giám sát, kiểm soát quyền lực, theo Điều 225 Luật Đất đai (sửa đổi) thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đều chuyển qua Tòa án nhân dân (TAND) giải quyết. Theo tôi nên giải quyết như hiện nay, người tranh chấp đất đai được lựa chọn cơ quan giải quyết là TAND hoặc UBND, tránh để tình trạng TAND bị quả tái, kéo dài thời gian giải quyết n
* Ông Hồ Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
Theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW thì “Việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt”. Tuy vậy quy định tại khoản 4, Điều 89 chưa phản ánh đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW vì việc tổ chức phương án bồi thường này chủ đầu tư với người dân, chứ không phải chỉ “tổ chức xây dựng phương án", bởi trên thực tế có những trường hợp người dân được các chủ dự án hứa hẹn nhưng đến khi họ chấp nhận đền bù, di dời lại phát sinh các khúc mắc trong giải quyết quyền lợi tái định cư.
Hay tại Điều 105 về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, đề nghị bổ sung quy định giao UBND cấp tỉnh quy định và công bố công khai danh mục các ngành nghề và cơ sở đào tạo nghề phục vụ việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất để người có đất thu hồi lựa chọn và đảm bảo giúp người dân chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống lâu dài. Lý do: Luật Đất đai năm 2013 đã có quy định nhưng không cụ thể nên trên thực tế từ trước đến nay hầu như chỉ thực hiện hỗ trợ bằng tiền mà chưa quan tâm đến đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất, thời gian qua đã từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Do đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...
Anh Tuấn