Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng

Ngày 22/2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam) về giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đồng chí Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, ĐBQH đơn vị tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam báo cáo tình hình sản xuất, vận hành dự án, qua đó nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, chủ trương về hoạt động năng lượng tái tạo. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 70/TTg-CN ngày 9/1/2020; Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh số 79/QĐ-UBND ngày 3/4/2020 với yêu cầu tiến độ đầu tư dự án rất khẩn trương, hoàn thành đồng bộ hòa lưới điện quốc gia trong năm 2020 nhằm mục đích giải tỏa công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo, Tập đoàn Trung Nam đã tập trung nguồn lực để đầu tư thi công hoàn thành hòa lưới điện quốc gia và được Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận vận hành thương mại vào ngày 1/10/2020. Tuy nhiên, đến nay nhà máy mới được huy động 60% công suất, hưởng giá điện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, 40% công suất còn lại (172 MW) chưa được EVN huy động công suất vì chưa có giá điện.

Đoàn giám sát ĐBQH đơn vị tỉnh làm việc với Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.

Đến ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về khung giá điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể về việc đàm phán giá điện theo Quyết định số 21/QĐ-BCT cho phần công suất chuyển tiếp này. Việc không được huy động 40% công suất kéo dài gây lãng phí đầu tư xã hội và nhiều khó khăn về tài chính của đơn vị. Qua đó, Tập đoàn Trung Nam mong muốn Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Mua bán điện tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW. Đoàn giám sát cũng đã nghe giải trình của các đơn vị liên quan trong quá trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh ghi nhận các kiến nghị đề xuất và đề nghị các đơn vị liên quan có văn bản cụ thể để đề nghị các bộ, ngành liên quan có hướng phối hợp, xử lý tháo gỡ. Những bất cập, vướng mắc về mặt chính sách sẽ được đoàn tổng hợp trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp và định hướng phát triển của địa phương.