Chia sẻ về lý do chọn đề tài, trưởng nhóm Ngô Sĩ Hoàng An, cho biết: Luyện tập PHCN là phương pháp được áp dụng rộng rãi giúp bệnh nhân đột quỵ tăng cường khả năng phục hồi các cơ quan, nhất là cơ quan vận động để sớm hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Qua khảo sát và nghiên cứu thực tế tại Khoa PHCN, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh, chúng em được biết tỷ lệ bệnh nhân có nhu cầu tập luyện PHCN chiếm 50% lượng bệnh nhân đến khoa, trong đó số bệnh nhân bị đột quỵ khá đông. Đội ngũ nhân viên y tế vì vậy phải làm việc hết công suất. Mặt khác, thông qua việc tìm hiểu thực tế, chúng em nhận thấy hiện nay dụng cụ tập PHCN mới dừng lại ở tập kéo tay, dùng ròng rọc kéo có tác dụng cho khuỷu tay và bả vai, còn lại phải nhờ vào tập thủ công dưới sự trợ lực của nhân viên y tế nên rất tốn công sức, người bệnh cũng không thể chủ động tập luyện tại nhà... Với mong muốn khắc phục những khó khăn trên, chúng em đã nảy sinh ý tưởng và triển khai thực hiện Dự án “Thiết bị tập PHCN cho bệnh nhân bị liệt chi trên” nhằm tạo ra thiết bị tập PHCN để bệnh nhân đột quỵ có thể tự tập luyện theo các bài tập mặc định sẵn, giảm sức ép về nhân lực y tế, giảm chi phí, giúp người bệnh có thể tự tập luyện tại nhà góp phần rút ngắn thời gian điều trị bệnh tật.
Đôi bạn Châu Lê Nhật Minh (bên trái) và Ngô Sĩ Hoàng An giới thiệu về Dự án “Thiết bị tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị liệt chi trên”.
Sự phối hợp ăn ý, cùng nhau nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng thêm sự ủng hộ, đồng hành từ phía thầy, cô giáo, gia đình, sau hơn 3 tháng triển khai, đôi bạn Hoàng An và Nhật Minh đã biến ý tưởng thành sản phẩm hoàn chỉnh với chi phí khoảng 2-2,5 triệu đồng. Cảm nhận đầu tiên là thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi, giá thành khá phù hợp với kinh tế người bệnh, bao gồm 2 phần chính là phần cơ khí có 3 bậc tự do và hộp thiết bị. Trong đó, phần cơ khí được thiết kế dựa trên những yếu tố về mặt sinh học như biên độ gập, khả năng vận động, khối lượng cánh tay. Linh kiện của thiết bị gồm: Arduino Mega, màn hình cảm ứng, động cơ servo 20 kg- 60 kg - 80 kg, nguồn điện, vật liệu nhựa PETG. Phương thức hoạt động tổng quan của thiết bị dựa trên cơ sở kỹ thuật chuyên môn của chuyên khoa PHCN; y, bác sĩ chuyên khoa sẽ cài đặt các bài tập PHCN vào hệ thống điều khiển của thiết bị; thiết bị sẽ vận hành tự động và người bị liệt chi trên sẽ nằm trên giường vận động theo. Thời gian, tốc độ hoạt động, các bài tập PHCN... đều được cài đặt và có thể điều chỉnh khi cần. Sau mỗi bài tập, hệ thống sẽ xuất ra các thông số về cơ thể bệnh nhân để bác sĩ chẩn đoán và xây dựng bài tập phù hợp. Điểm khác biệt so với các thiết bị đang được sử dụng tại bệnh viện và các cơ sở y tế là thiết bị được ứng dụng công nghệ 4.0 nên người bệnh liệt chi trên không cần đến cơ sở y tế chuyên khoa mà có thể chủ động luyện tập ở nhà; có thể cài đặt thời gian, bài tập, tốc độ tập; y, bác sĩ chuyên khoa có thể theo dõi khả năng tập luyện của bệnh nhân và hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại thông minh...
Sau Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, những ngày này, đôi bạn Hoàng An và Nhật Minh tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Dự án “Thiết bị tập PHCN cho bệnh nhân bị liệt chi trên” để tham gia Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2023 tại Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hai em cũng định hướng tiếp tục phát triển Dự án “Thiết bị luyện tập PHCN tại nhà cho bệnh nhân liệt nửa người do đột quỵ”.
Phạm Lâm