Triển khai đúng quy định, lộ trình
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT, Tỉnh ủy đã ban hành 1 nghị quyết, 1 chương trình hành động và 3 chỉ thị; UBND tỉnh ban hành 2 chỉ thị, 12 quyết định, 7 kế hoạch và nhiều văn bản có liên quan. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phù hợp với điều kiện về đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV), cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS)…
Việc lựa chọn SGK được triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Sau khi có kết quả lựa chọn SGK, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với các Nhà xuất bản có SGK được lựa chọn tập huấn cho CBGV sử dụng SGK; phối hợp với Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Ninh Thuận đảm bảo cung ứng kịp thời SGK theo nhu cầu của phụ huynh, HS. Về tài liệu giáo dục địa phương (TLGDĐP), đến nay, tỉnh ta đã biên soạn và được Bộ GD&ĐT phê duyệt TLGDĐP lớp 1, 2, 6, 7, 8, 9; đã thẩm định, trình Bộ GD&ĐT TLGDĐP lớp 3, chuẩn bị thẩm định lớp 10. Riêng bộ TLGDĐP lớp 6 và lớp 7, ngành GD&ĐT đã phối hợp với Dự án Giáo dục THCS khó khăn nhất, giai đoạn 2 - Bộ GD&ĐT cấp miễn phí toàn bộ TLGDĐP cho HS lớp 6 và lớp 7 trên địa bàn tỉnh.
Giờ học môn Tiếng Anh của thầy và trò Trường THCS Cao Bá Quát (Thuận Bắc).
Cùng với đó, ngành GD&ĐT tập trung thực hiện các nội dung về đội ngũ nhà giáo, như rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu CBGV ở từng cấp học, lớp học, môn học để có kế hoạch điều chỉnh, bố trí, sắp xếp hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá CBGV theo chuẩn chức danh nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng CBGV chưa đạt chuẩn; tập huấn, bồi dưỡng CBGV được phân công giảng dạy Chương trình GDPT 2018 ở từng cấp học theo lộ trình…; đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng 134 phòng học thuộc chương trình kiên cố hóa trường, lớp học với 2 giai đoạn 2012-2016 và 2017-2020. Trong những năm qua, ngành GD&ĐT cũng đã thực hiện nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học với kinh phí trên 171,5 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 đã trang bị bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế HS, thiết bị đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú cho các trường phổ thông bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, THCS công lập có HS bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh… Qua đó góp phần triển khai nghiêm túc, đúng quy định, lộ trình Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh.
Còn nhiều khó khăn cần khắc phục
Qua làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh vào cuối tháng 12/2022, các trường: Tiểu học Dư Khánh (Ninh Hải), THCS Lê Lợi (Ninh Sơn), THPT Nguyễn Huệ (Ninh Phước), Sở GD&ĐT và UBND tỉnh đều đánh giá mục tiêu của chương trình phù hợp với yêu cầu đổi mới, nhằm giáo dục con người toàn diện, giúp HS phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; việc triển khai chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương và đa số các cơ sở giáo dục. Kết quả học tập, rèn luyện của HS theo chương trình, SGK mới có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS bước đầu được khẳng định, tạo niềm tin trong CBGV, HS, phụ huynh và xã hội.
Bên cạnh thuận lợi, kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Toàn ngành GD&ĐT hiện thiếu trên 500 giáo viên, trong đó thiếu 232 giáo viên phổ thông. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mặc dù đã được trang bị song chưa đáp ứng nhu cầu. Đơn cử như năm học 2022-2023, tổng nhu cầu kinh phí cần thiết để trang bị mua sắm thiết bị dạy học là 587,131 tỷ đồng, nhưng kinh phí được cấp chỉ hơn 61,6 tỷ đồng, đạt 10,5% so với nhu cầu thực tế. Hiện nay, ở cấp tiểu học, tỷ lệ phòng/lớp đạt 92,83%; toàn tỉnh có 149 phòng bộ môn, đạt 0,19 phòng/trường (toàn quốc đạt 2,7 phòng/trường). Cấp THCS, tỷ lệ phòng/lớp đạt 83,3%; toàn tỉnh có 174 phòng bộ môn, đạt 2,07 phòng/trường (toàn quốc đạt 5,07 phòng/trường). Cấp THPT, tỷ lệ phòng/lớp đạt 82,5%; toàn tỉnh có 115 phòng học bộ môn, đạt 5,75 phòng/trường (toàn quốc đạt 6,33 phòng/trường). Đa số các trường THPT chưa có giáo viên, trang thiết bị nên một số HS có nhu cầu chưa được học môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Giá SGK mới cao hơn so với sách cũ và cao hơn mức sống, thu nhập của người dân địa phương…
Nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc góp phần triển khai hiệu quả hơn Chương trình GDPT 2018, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đã trao đổi, làm rõ thực trạng, đề ra giải pháp và đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT xem xét, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc. Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND cũng đã ghi nhận, tiếp thu ý kiến góp ý của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về triển khai Chương trình GDPT 2018; đồng thời đề nghị Sở GD&ĐT sớm tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá, phân tích sâu kỹ hơn thực trạng, khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp góp phần giúp các nhà trường triển khai Chương trình GDPT 2018 ngày càng phù hợp, hiệu quả.
Lâm Anh