Xây dựng Đảng từ khâu “then chốt của then chốt”

Đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ CB. Từ Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 về chiến lược CB thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay công tác CB của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng. Đảng đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về CB và công tác CB, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện CB, tới khâu đánh giá, bố trí, sử dụng CB và thực hiện chính sách CB.

Ngày 3/2/1969, trang nhất Báo Nhân Dân đăng bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh T.L). Ngay ở đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên (ĐV) đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với ĐV và CB chúng ta”. Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần, trách nhiệm, cũng như vai trò của người ĐV trong việc đi đầu thực hiện các công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định ĐV là những người tiên phong, là người dẫn đường trong việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước để quần chúng nhân dân noi theo.

Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng đã ban hành nhiều quy định về nêu gương của CB, ĐV như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là CB lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy trình và hồ sơ nhân sự cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025...

Gần đây, để tạo sự đồng bộ trong từng khâu của công tác CB, có sự kết nối chặt chẽ, liên tục với nhau, Đảng đã ban hành: Kết luận số 08-KL/TW ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu CB ứng cử; Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với CB; Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch CB; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển CB; Thông báo Kết luận số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về “Chủ trương bố trí công tác đối với CB thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”... Trong đó đáng chú ý là Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý CB và bổ nhiệm, giới thiệu CB ứng cử.

Thời gian qua, có xu hướng rõ rệt là: CB trong hệ thống chính trị khi được bổ nhiệm rồi dường như rất khó “ra”, chủ yếu theo hướng đi “lên”, chí ít là đi “ngang”, rất khó “xuống", trừ khi bị kỷ luật nặng. Thậm chí, cá biệt có CB, ĐV dù vi phạm kỷ luật nhưng vẫn tiếp tục lãnh đạo, quản lý, bất chấp điều tiếng. Nhưng với Quy định số 80-QĐ/TW, phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” đã được cụ thể hóa và được minh chứng rất rõ qua thực tế, nhất là trong mấy tháng trở lại đây.

CB, như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng, cho nên, “muôn công việc thành công hoặc thất bại đều do CB tốt hay kém”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt” thì công tác CB là “then chốt của then chốt”.

Quy định số 80-QĐ/TW năm 2022 có thể nói là một bước đi mạnh mẽ trong việc tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ công khai, minh bạch trong công tác CB và quản lý CB. Thông điệp phát đi, như phát biểu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai vào ngày 22/9/2022 tại Hội nghị quán triệt Quy định số 80-QĐ/TW, là “Đảng dứt khoát không buông lỏng công tác CB”.

Trên thực tế, trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới đến nay, công tác CB và xây dựng đội ngũ CB luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng ở mọi cấp, mọi ngành và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã xây dựng được đội ngũ CB cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phần lớn đội ngũ CB các cấp có phẩm chất, đạo đức trong sáng, được nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao. Nhờ đó, tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” đã được hình thành, củng cố, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các mặt công tác.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những CB dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân thì vẫn còn CB, ĐV "dám làm" vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, gây nguy hại cho đất nước, nhân dân, khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Vụ Việt Á, vụ AIC hay vụ chuyến bay giải cứu… là những ví dụ điển hình. Nhưng chính việc hàng loạt quan chức “ngã ngựa”, hầu toà đã lấy lại, củng cố niềm tin của nhân dân về quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ CB, cho thấy lòng tham không cấp “kim bài miễn tử” cho ai.

Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành biểu tượng niềm tin về những ĐV cộng sản đi trước để làng nước theo sau, về những người CB cộng sản nói đi đôi với làm, hằng ngày rèn luyện đạo đức cách mạng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đối với những người cộng sản ấy, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Họ thực sự là “then chốt của then chốt”.