Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, dịp cuối năm và cận Tết là thời điểm hàng hóa lưu thông lớn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, dẫn đến hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp. Trước tình trạng đó, lực lượng QLTT trong tỉnh đã tập trung kiểm tra chặt chẽ những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán như: Quần áo, giầy dép, bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát...; đặc biệt, chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối... Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính và phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dịp tết Nguyên đán năm nay, nhìn chung các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được các doanh nghiệp, nhà sản xuất, cung ứng thực hiện đầy đủ trước Tết, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo được sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn theo các chương trình bình ổn thị trường của địa phương.
Những ngày cận Tết, tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, sức mua tăng từ 5-10% so ngày thường, đặc biệt trong ngày 29 Tết sức mua tăng mạnh từ 20-40% tại các chợ do đây là thời điểm bắt đầu nghỉ Tết có thời gian đi mua sắm của các công chức, người lao động. Đối với hệ thống siêu thị tăng từ 30-35% so với ngày thường cùng với nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá của nhiều doanh nghiệp. Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng nhẹ theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và đã dần trở lại bình thường. Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mức giá được giữ ổn định, đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường. Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao do người dân cũng đã mua sắm đủ trước Tết.
Người dân mua thực phẩm với giá cả ổn định tại chợ Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đóng cửa muộn và mở cửa sớm trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm. Vào mùng 4 và mùng 5 Tết, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Nhìn chung, giá cả thị trường trước Tết không có biến động lớn do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay.
Để tiếp tục ổn định thị trường sau Tết, Sở Công Thương, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác theo dõi diễn biến, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hồng Nguyệt