Theo Sở Công Thương, năm 2022, đa số các DN đã trở lại sản xuất sau một thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19; một số DN may mặc xuất khẩu đi vào hoạt động, một số sản phẩm chiếm tỷ trọng cao đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành CN CB, CT và toàn ngành CN. Giá trị sản xuất CN năm 2022 đạt 12.334,8 tỷ đồng, tăng 12,6% so cùng kỳ, trong đó ngành CNCB, CT ước đạt 6.578,2 tỷ đồng, tăng 20,4% so cùng kỳ (tăng 7,7%), nổi bật như: Tôm đông lạnh, sản lượng ước đạt 12.250 tấn, tăng 38,2% so cùng kỳ; bia các loại ước đạt 42 triệu lít, tăng 12,3% so cùng kỳ; quần áo may sẵn ước đạt 3,2 triệu cái, tăng 50% so cùng kỳ; thạch nha đam ước đạt 12.500 tấn, tăng 18,5% so cùng kỳ.
Sản xuất nha đam tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Ảnh: Anh Tuấn
Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để có được kết quả trên, ngành Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp như: Thường xuyên theo dõi, nắm bắt sát sao tình hình hoạt động của DN, định kỳ 6, 9 tháng tổ chức thăm và làm việc với DN tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc về nguyên liệu, vốn, thị trường,... để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kịp thời. Mặt khác, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ DN quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đồng thời triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công hỗ trợ vốn đầu tư mua sắm, cải tiến máy móc thiết bị, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất mới, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng nhằm tăng năng suất sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ DN tham gia các hội nghị, hội chợ, quảng bá sản phẩm, kết nối, gặp gỡ giao thương với các đối tác nước ngoài bằng các hình thức trực tuyến và trực tiếp; tăng cường đưa các sản phẩm đặc thù và có giá trị gia tăng cao lên sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế (hạt điều nhân, tôm, nông sản sấy, thạch nha đam, khăn bông, hàng thủ công mỹ nghệ...). Bên cạnh đó, nhằm tạo năng lực mới từ các sản phẩm CN mới, ngành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối với các đối tác có năng lực để xúc tiến thu hút đầu tư các dự án lĩnh vực như: Điện khí, điện gió ngoài khơi, sản xuất thiết bị, linh kiện, chế biến nông, lâm, thủy sản xuất khẩu...
Sản xuất mặt hàng thú nhồi bông xuất khẩu tại Khu công nghiệp Du Long.
Qua đánh giá, ngành CNCB, CT đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho khu vực CN góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong các dự án đầu tư ở lĩnh vực CB, CT trên địa bàn tỉnh đa số dự án có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít. Chưa thu hút được các dự án CN công nghệ cao, CN điện tử có giá trị gia tăng cao; năng lực cạnh tranh của các DNCB, CT chưa cao, thiếu DN có vai trò đầu tàu, dẫn dắt. Năm 2023, ngành Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất CN đạt 14.428 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh năng lực hiện có, ngành quan tâm khai thác các năng lực mới tăng thêm trên 2 nhóm chủ yếu còn dư địa phát triển như dự án năng lượng. Dự kiến trong năm 2023 sẽ có 7 dự án hòa lưới với tổng công suất 433 MW và 6 dự án 237 MW khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành đầu năm 2024. Bên cạnh đó còn có 4 sản phẩm mới mới còn dư địa đóng góp cho tăng trưởng của ngành CNCB, đó là sản phẩm từ măng tây xanh với sản lượng khoảng 50 tấn; sản phẩm linh kiện, kết cấu kim loại khoảng 200 tấn; mỡ bôi trơn 950 tấn và sản phẩm đồ chơi trẻ em với 1,8 triệu sản phẩm. Đối với các sản phẩm như: Đường, tinh bột mì, nha đam, măng tây xanh sẽ quan tâm hỗ trợ DN đầu tư phát triển vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất chế biến và xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, kết nối tạo thêm đầu ra cho sản phẩm. Thường xuyên nắm bắt, theo dõi sát sao và hỗ trợ kịp thời các dự án CNCB đang hoạt động có khả năng tăng thêm như: Bia, tôm đông lạnh, nhân điều, nha đam, khăn bông, nước yến, may mặc...
Đồng chí Đạo Văn Rớt cho biết thêm: Trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường kết nối, tham gia tổ chức chương trình khảo sát thị trường, gặp gỡ các đối tác là đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm mà Ninh Thuận có thế mạnh, tiềm năng sản xuất và xuất khẩu như: Hạt điều nhân, tôm, nông sản sấy, thạch nha đam, khăn bông, hàng thủ công mỹ nghệ...; tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường mới. Tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm CN: Thành Hải, Du Long, Phước Nam, Quảng Sơn, Hiếu Thiện, Phước Tiến nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án thứ cấp, nhất là các dự án CN mới, công nghệ cao, quy mô lớn, hiện đại, thân thiện môi trường. Triển khai các thủ tục thành lập và đầu tư hạ tầng các cụm CN sau khi được bổ sung quy hoạch. Thu hút đầu tư các dự án CN lớn có đóng góp cao cho tăng trưởng của ngành, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục đầu tư đối với các dự án: Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, tổ hợp dự án sản xuất hydro xanh. Thúc đẩy DN sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghệ số, cạnh tranh cao. Tiếp tục đồng hành cùng DN đẩy mạnh phát triển kinh tế số thông qua thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.
Anh Tuấn