Các địa phương ra quân sản xuất đầu xuân mới

Sau những ngày vui tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, ngay từ mùng 3 Tết, nông dân, diêm dân và ngư dân các địa phương trong tỉnh đã “xuất quân” với khí thế thi đua lao động, sản xuất sôi nổi, với niềm tin mùa màng thắng lợi bội thu.

* Tại huyện Thuận Nam, trên các cánh đồng lúa thuộc xã Phước Nam, Phước Hà, Nhị Hà, Phước Ninh, không khí lao động sản xuất đầu xuân tất bật, rộn ràng tiếng nói cười của những nông dân ra đồng chăm sóc lúa đầu xuân. Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2022-2023, đến nay toàn huyện đã hoàn thành gieo sạ 1.750 ha lúa; trong đó, nhiều vùng xuống giống sớm. Để có mùa vụ thắng lợi, thời điểm này bà con đang tập trung thăm đồng, kiểm tra phòng trừ sâu bệnh. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển tốt, bà con rất phấn khởi. Các hộ trồng cây ăn quả, nhất là mãng cầu và xoài, sau đợt thu hoạch phục vụ dịp Tết cũng đã ra vườn từ sớm, tranh thủ hái thêm đợt quả bán cho thương lái hoặc bán trực tiếp ở chợ phục vụ cho người dân dịp đầu đầu xuân.

Các đội tàu ở xã Cà Ná (Thuận Nam) chuẩn bị chuyến vươn khơi đầu tiên trong năm mới Quý Mão 2023. Ảnh: D.My

Cùng với nông dân, ngư dân trong huyện cũng tất bật chuẩn bị ngư cụ vươn khơi. Sau lễ cúng cầu ngư theo phong tục của làng biển vào mùng 3 Tết, chủ tàu và bạn thuyền gặp mặt đầu xuân tính chuyến biển đầu năm. Tuy nhiên, theo ngư dân địa phương, thời điểm này biển động, gió to, chưa thuận lợi cho việc xuất bến. Ngư dân Võ Văn Lộc ở thôn Lạc Tân 1, xã Cà Ná cho hay: Đã thành thông lệ, xã Cà Ná và xã Phước Diêm năm nào cũng phối hợp tổ chức lễ cúng thần Nam Hải và lễ hội đua thuyền vào mùng 3 Tết với ý nguyện mong “mưa thuận, gió hòa”, tìm được ngư trường thuận lợi, dồi dào, tàu ghe lúc nào cũng đầy ắp tôm cá. Sau lễ cúng thì tàu thuyền cũng xuất bến luôn nhưng mấy ngày qua thời tiết không được thuận lợi, gió to, biển động, nhiều tàu còn nằm bến đợi thêm vài ngày nữa mới ra khơi. Nhà tôi có 2 chiếc ghe cũng đang nằm bờ chờ. Chỉ một số hộ đi gần, chiều đi, sáng vào để tranh thủ mẻ cá nhỏ, ghẹ, ốc lấy lộc đầu năm. Với mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng hải sản toàn huyện đạt 81.000 tấn, mong rằng, ngư dân huyện Thuận Nam sẽ có những chuyến vươn khơi thuận lợi, bội thu cá tôm để vừa đạt chỉ tiêu đánh bắt, vừa nâng cao thu nhập, đời sống ngày càng tốt đẹp, sung túc hơn.

* Sáng mùng 3 Tết, nông dân huyện Ninh Phước phấn khởi tập trung ra đồng chăm sóc, thu hoạch cây trồng vụ đông - xuân 2022-2023. Đến nay, cây lúa 20-30 ngày tuổi sinh trưởng tốt, nông dân đang tiến hành bón phân theo quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm”. Nông dân đang tập trung làm cỏ, cấy dậm lúa trải lá xanh mơn mởn trong nắng sớm đầu xuân. Ngoài ra, vụ đông - xuân năm nay, nông dân huyện Ninh Phước còn gieo trồng 875 ha bắp, canh tác 798 ha táo và 416 ha nho.

Nông dân thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu (Ninh Phước) thu hoạch táo trong dịp Tết. Ảnh: S.N

Trong đó táo và nho là 2 loại cây ăn trái đem lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm cuộc sống no ấm cho hàng ngàn nông dân địa phương. Từ sáng sớm mùng 2 Tết, các cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn huyện Ninh Phước trở lại hoạt động nhộn nhịp. Một số chủ vườn huy động lực lượng lao động ra quân thu hoạch táo phục vụ thị trường tết Nguyên đán Quý Mão. Anh Phan Phong Thưởng ở thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu phấn khởi: Sáng mùng 2 Tết, tôi thuê 4 lao động thu hoạch táo trên diện tích 2 sào vừa chín tới phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết. Giá táo xanh bán cho vựa thu mua với giá 10.000 đồng/kg. Ngay trong ngày đầu xuân mới, gia đình tôi bán 1,1 tạ táo xanh có thu nhập trên 1 triệu đồng...

Nông dân Ninh Phước ra đồng chăm sóc lúa đông - xuân. Ảnh: S.Ngọc

* Ngay sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão, không khí ra quân sản xuất đã diễn ra sôi nổi, phấn khởi trên khắp địa bàn huyện Ninh Hải. Trên những đồng ruộng, cánh đồng muối và các cảng cá, bà con nông dân, diêm dân và ngư dân đều rộn rã, náo nức ra quân sản xuất đầu xuân mới, hy vọng một năm mới gặt hái được nhiều thành công, vụ mùa bội thu, tôm, cá đầy thuyền. Từ sáng sớm mùng 4 Tết, trên những cánh đồng lúa ở xã Xuân Hải và Hộ Hải nhiều nông dân phấn khởi ra đồng để thăm lúa đầu xuân. Ông Nguyễn Thế Yên, xã Xuân Hải cho biết: Tranh thủ những ngày đầu năm mới, thời tiết thuận lợi tôi ra đồng chăm sóc 2 sào lúa của gia đình, mong lúa sinh trưởng tốt, cho vụ mùa bội thu.

* Theo kế hoạch sản xuất, vụ đông - xuân năm nay, toàn huyện Ninh Hải gieo 2.265 ha cây lúa, trong đó: Xã Khánh Hải 50 ha; Phương Hải 433 ha; Tri Hải 40 ha; Tân Hải 275 ha; Xuân Hải 870 ha; Hộ Hải 579 ha và Vĩnh Hải 18 ha. Đến thời điểm hiện tại, cây lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt, lượng nước trên các kênh mương thủy lợi cũng đang ở mức cao nên việc tưới tiêu phục vụ vụ mùa thuận lợi. Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với bà con nông dân trên địa bàn huyện. Trong không khí sôi nổi sản xuất đầu năm, bà con ai cũng phấn khởi và hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, cây lúa phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao. 

Tại các xã Phương Hải, Tri Hải các diêm dân cũng nhộn nhịp ra đồng sớm để dọn dẹp ruộng chuẩn bị cho vụ mùa mới. Anh Lê Tấn Tới, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải, cho biết: Như thường lệ cứ đầu năm mới là gia đình tôi chọn ngày ra đồng để bắt đầu công việc, năm qua giá muối đang tăng cao nên chúng tôi cầu mong vụ mùa sắp tới sẽ đạt năng suất cao, giá cả ổn định để chúng tôi có động lực tiếp tục duy trì nghề truyền thống làm muối. Thời tiết thuận lợi, cùng với giá muối trong năm 2022 ở mức cao, sản lượng muối trên địa bàn huyện cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao, bên cạnh đó giá muối nền đất 2,5 triệu đồng/tấn, muối nền bạt 2,8 triệu đồng/tấn, bình quân cao gấp 3-4 lần so với cùng kỳ, bà con sản xuất đều có lãi và tăng hiệu quả kinh tế.

Nông dân xã Phương Hải (Ninh Hải) ra đồng sản xuất đầu xuân mới. Ảnh: T.Thịnh

Do vậy, đầu năm mới diêm dân rất phấn khởi, kỳ vọng có những mùa vụ thu hoạch muối bội thu. Tại Cảng cá Ninh Chữ, không khí phấn khởi hiện lên trên từng khuôn mặt ngư dân, mọi người nhộn nhịp chuẩn bị các ngư cụ để ra khơi đầu năm. Theo quan niệm của ngư dân vùng biển, chuyến ra khơi đầu năm thuận lợi sẽ mang lại may mắn, suôn sẻ cho cả năm nên công tác chuẩn bị được các bạn thuyền chăm lo chu đáo. Anh Nguyễn Ngọc Châu, ngư dân tại xã Tri Hải, chia sẻ: Năm nào cũng vậy, ngày Tết tàu thuyền về cập bến và sớm lo chuẩn bị các khâu hậu cần tốt nhất cho những chuyến vươn khơi đầu năm. Sau Tết, tùy theo từng tàu cá chọn ngày để “mở biển” với tinh thần rất hào hứng và hy vọng thuyền về sớm cá đầy khoang.

* Tại khu vực chợ Đầm Nại, thị trấn Khánh Hải từ sáng sớm mùng 4 Tết, không khí kéo lưới, mua bán hải sản đã diễn ra rất nhộn nhịp. Những chiếc ghe, thuyền của ngư dân đưa vào bờ những mẻ cá tươi rói, tiếng khách hàng trao đổi mua bán, cười nói chộn rộn một vùng. Đang nhanh tay lựa những con cá sơn thóc tươi xanh vừa được kéo lên từ mẻ lưới mới vào, chị Lê Thị Hòa, thị trấn Khánh Hải, chia sẻ: Mấy ngày Tết ăn nhiều đồ dầu mỡ, nên tôi tranh thủ đầu năm dậy sớm ra chợ mua ít cá tươi về chế biến ăn đổi vị. Giá cả đầu năm có nhỉnh hơn những ngày thường, nhưng dù sao bà con ngư dân mở hàng sớm phục vụ người tiêu dùng cũng là vui rồi.

Ngư dân tại cảng biển Ninh Chữ (Ninh Hải) ra quân đánh bắt đầu năm.Ảnh: H.Nguyệt

Trong những năm qua, được sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nghề khai thác thủy sản của huyện Ninh Hải đã được duy trì và phát triển tốt. Ngư dân đã tập trung huy động các nguồn vốn để mua sắm ngư cụ, tàu thuyền, đẩy mạnh việc đánh bắt, khai thác thủy sản. Thời điểm đầu xuân mới, việc ra khơi không chỉ đem lại kinh tế mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng từ mỗi chuyến đi biển. Mỗi ngư dân, mỗi chiếc thuyền đánh cá ra khơi mang theo những ước vọng cho một năm cá nặng lưới đầy.

Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán, sáng mùng 3 Tết, nông dân, ngư dân Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ra đồng duy trì việc chăm sóc cây trồng và vươn khơi bám biển. Ngày đầu xuân mới, hai thành viên trong gia đình ông Trần Xuân Trường, phường Đông Hải phấn khởi ra khơi trên chiếc thuyền thúng của gia đình. Ông Trường chia sẻ: Hôm nay sóng to, gió lớn đáng lẽ gia đình tôi không đi biển, nhưng theo quan niệm của ngư dân thì đầu năm phải chọn một ngày đẹp để vươn khơi lấy may. Vì thế, sáng nay gia đình tôi cùng nhau đi thuyền thúng đánh bắt gần bờ, hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều hải sản.

* Trên các cung đường vùng trồng rau phường Văn Hải, rất nhiều nông dân đang cần mẫn chăm sóc rau màu, vừa làm việc, vừa trò chuyện vui vẻ về hoạt động vui xuân, đón tết Quý Mão 2023. Đang theo nước cho luống ngò, chị Nguyễn Thị Kỷ, khu phố 11, vui vẻ chia sẻ: Từ mùng 4 Tết, chợ đã bắt đầu buôn bán hoạt động trở lại, tôi ra vườn thu hoạch mấy luống húng quế, tranh thủ theo nước, nhổ cỏ cho mấy luống ngò. Với giá thu mua húng quế từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giá cũng ổn nên bà con rất phấn khởi thu hoạch bán lấy lộc đầu xuân. Còn ở những cánh đồng trồng lúa xã Thành Hải, bà con cũng ra đồng trong tiếng cười nói rộn ràng. 7 giờ sáng mùng 4 Tết, ông Lê Văn Hiệp chở theo 40 kg phân ra đồng để bón cho lúa. Sau thời gian nghỉ Tết, không ra đồng nên sau Tết như một thói quen, vừa bước xuống xe, ông nhanh chóng xuống ruộng nhổ cỏ và lướt một dặm dài trên cánh đồng xanh ngát rồi rải từng nắm phân đạm xuống đồng. Gần một giờ sau, cánh đồng lúa với diện tích 5 sào đã được bón phân xong. Ông Hiệp chia sẻ: Nghỉ Tết mấy ngày vậy là vui rồi, nay phải ra đồng, có chăm sóc cẩn thận thì lúa mới tốt tươi, cho năng suất cao. Sang năm mới, tôi hy vọng giá cả cây trồng sẽ tăng cao, đồng thời, mong nhà nước có chính sách bình ổn giá phân bón và vật tư nông nghiệp để khuyến khích nông dân bám ruộng đồng, đỡ vất vả hơn.

Nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) tập trung chăm sóc rau màu đầu xuân. Ảnh: K.Thùy

* Tại huyện Thuận Bắc, ngay từ sáng mùng 3 Tết, nông dân trên địa bàn huyện đã bắt tay vào công việc đồng áng, hứa hẹn một mùa vụ thắng lợi. Ghi nhận tại cánh đồng sản xuất lúa lớn ở các xã Bắc Phong, Bắc Sơn, Lợi Hải, khí thế lao động diễn ra khá nhộn nhịp. Hầu hết các trà lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên, đây cũng là thời điểm rất dễ phát sinh sâu bệnh nên người dân tích cực thăm đồng, bảo vệ ruộng lúa của mình. Anh Thành Quang Định, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn cho hay: 5 sào lúa của gia đình xuống giống được gần 1 tháng nay, thời tiết nắng ấm và có gió mạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu hại phát triển, vì thế tôi chủ động xịt thuốc để ngăn cản sự lây lan, tránh ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài cây lúa, ở những khu vực chuyên trồng cây rau màu như ớt, đậu xanh, măng tây… nhiều hộ dân cũng đang tất bật chăm sóc. Anh Chamaléa Phương, thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải phấn khởi: Nhờ 1,2 sào đậuván kịp bán trong dịp Tết nên gia đình có thu nhập, đón Tết năm nay được tươm tất. Sau khi thu hoạch, tôi tiếp tục cải tạo đất để trồng vụ mới, tranh thủ hôm nay thời tiết dịu mát, mình ra đồng nhổ cỏ, nắm bắt tình hình sinh trưởng của cây để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Hy vọng thời tiết năm nay thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, bù lại một phần chi phí trước giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Ảnh: H.Lâm

Vụ đông - xuân năm nay, huyện Thuận Bắc xuống giống trên 3.500 ha cây trồng các loại. Thời điểm trước Tết, ngành Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn cụ thể cho nông dân triển khai các biện pháp chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng. Đồng thời, các xã cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tổ chức điều tiết nước hợp lý; tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học-kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

* Tại huyện Bác Ái, sau những ngày vui Xuân, đón Tết vui tươi, đầm ấm, sáng Mùng 3 Tết, nông dân ở các xã phấn khởi ra đồng chăm sóc cây trồng mang theo ước vọng một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Nông dân Bác Ái ra quân sản xuất đầu Xuân. Ảnh: K.Hân

Có mặt tại cánh đồng sản xuất lúa xã Phước Đại, chúng tôi ghi nhận không khí lao động rất sôi nổi của nông dân địa phương. Bà Katơr Thị Lắm ở thôn Tà Lú 2, phấn khởi: Thời tiết trên địa bàn huyện thời gian qua thuận lợi, mưa nhiều nên lượng nước ở các hồ rất dồi dào, sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, nông dân tranh thủ cày ải và xuống giống vụ đông - xuân cho kịp thời vụ, hiện nay bà con đang tập trung bám đồng để xuống giống và chăm sóc cây lúa và các loại cây trồng khác với kỳ vọng một vụ mùa bội thu. Trên những cánh đồng Phước Chính, Phước Thắng, Phước Tiến…, không khí lao động rất nhộn nhịp, bà con ai nấy đều vui tươi, phấn khởi. Anh Chamaléa Phong ở thôn Hà Lá Hạ, xã Phước Thắng vui vẻ: Vụ mì vừa rồi gia đình tôi thu hoạch được hơn 20 tấn, thu lãi trên 25 triệu đồng nên đón Tết đầm ấm. Hiện nay bà con đang tập trung xuống giống mì vụ mới để kịp thời vụ với kỳ vọng một vụ mùa bội thu để kinh tế của người dân ngày càng phát triển...

* Sáng Mùng 4 Tết, nông dân trên địa bàn huyện Ninh Sơn phấn khởi ra đồng sản xuất đầu xuân mới. Trên các cánh đồng xã Lương Sơn, không khí lao động nhộn nhịp, người xịt thuốc trừ sâu, người theo nước, người cấy dặm những khoảng ruộng thưa, người bón phân... Anh Nguyễn Văn Mỹ, cho biết: Những ngày nghỉ Tết, gia đình đoàn tụ, có một mùa xuân đầm ấm, vui tươi. Sau Tết, tôi và các nông hộ tranh thủ ra đồng chăm sóc lúa, kiểm tra bị sâu bệnh, đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt. Tại những cánh đồng mía trên địa bàn xã Quảng Sơn, người dân cũng bắt đầu cày đất, chuẩn bị xuống giống vụ mía mới. Anh Trần Văn Được ở thôn Thạch Hà, phấn khởi: Niên vụ mía vừa qua mặc dù thời tiết không thuận lợi mưa nhiều, nhưng mía vẫn đạt năng xuất và bán được giá nên nông dân rất phấn khởi. Các hộ trồng mía nhìn chung có được một mùa xuân ấm no, sung túc. Năm nay, tuân thủ lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp, nông dân cũng tranh thủ làm đất xuống giống hàng loạt để thuận tiện việc chăm sóc cũng như điều tiết nước tưới.

Vụ đông - xuân 2022-2023, toàn huyện Ninh Sơn gieo trồng 6.655 ha cây trồng các loại; trong đó, nhóm cây lương thực 4.798,8 ha; cây tinh bột 70 ha; cây thực phẩm 1.060,2 ha; cây công nghiệp ngắn ngày 305 ha; cây hàng năm khác 422 ha.