Khát vọng biển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra: “Kinh tế biển (KTB) là động lực; tiếp tục phát triển KTB theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo; xây dựng Ninh Thuận là một trong những địa phương mạnh về biển, đảo”. Với tiềm năng thế mạnh, cùng với hoạch định chiến lược rõ ràng, KTB đang trở thành động lực, hun đúc Ninh Thuận hiện thực hóa khát vọng giàu lên từ biển.

Từ tầm nhìn chiến lược

Vùng biển Ninh Thuận rộng hơn 18.000 km² cùng bờ biển dài khoảng 105 km rất giàu tiềm năng kinh tế. Kinh tế thủy, hải sản là thế mạnh của tỉnh với nguồn thủy sản đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều loài cá, tôm và đặc sản quý. Ngoài khai thác và nuôi trồng thủy sản, vùng biển, đảo Ninh Thuận còn có tiềm năng phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như: Du lịch (DL), công nghiệp, hàng hải, năng lượng tái tạo... Để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững KTB, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển KTB, đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban Chương trình hành động số 246-CTr/TU ngày 2/1/2019 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện 6 khâu đột phá, cụ thể là: Năng lượng tái tạo và các ngành KTB mới; DL và dịch vụ biển; công nghiệp và ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải; khai thác các tài nguyên khoáng sản biển khác. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ/CP về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Đây là chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với nhiều chính sách mới, cơ chế mới, tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển KTB.

Ngư dân thả lưới bắt cá trên biển. Ảnh: Thái Huy

Cùng với công tác đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTB bền vững đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; tỉnh tập trung chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững KTB, cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế tư nhân ngày càng cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch triển khai phát triển bền vững KTB phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, bảo đảm, đồng bộ, nhất quán, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTB phát triển.

Chỉ sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 27.300 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2018 và chiếm 91,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Ngoài ra, đã thu hút, vận động mới các dự án ODA thuộc khu vực ven biển với tổng vốn đầu tư hơn 3.980,4 tỷ đồng và vận động mới 28 dự án NGO. Tổng vốn đầu tư KTB tăng 65,8%/năm; cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế tư nhân ngày càng cao trong tổng vốn đầu tư toàn ngành KTB, trong đó khu vực tư nhân chiếm 92,6% tổng vốn. Nhiều dự án có quy mô lớn hoàn thành đưa vào hoạt động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng KTB 21,2%/năm; tỷ trọng đóng góp KTB vào GRDP tỉnh từ 30,6% năm 2018, tăng lên 40,71% năm 2022; văn hóa - xã hội vùng biển, ven biển có nhiều chuyển biến, tiến bộ, đời sống nhân dân vùng ven biển được cải thiện; công tác quản lý tài nguyên biển, các ứng dụng khoa học - công nghệ, phòng, chống thiên tai được quan tâm; quốc phòng, an ninh vùng biển, trên biển được bảo đảm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Những kết quả khả quan trên đã khẳng định rõ nét hướng đi đúng đắn của Ninh Thuận trong phát triển KTB dựa trên khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Phát triển hướng mạnh ra biển

Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy xác định, trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng KTB đạt 15-16%/năm; huy động tổng vốn đầu tư cho KTB khoảng 61-62 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 94-95%. Đến năm 2025, KTB chiếm 41-42% tổng sản phẩm nội tỉnh. Đến năm 2030 đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển, trong đó KTB đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm 45-46% tổng sản phẩm nội tỉnh; là tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, trong đó thu nhập dân cư bình quân khu vực ven biển gấp 1,2 lần trở lên so với bình quân toàn tỉnh.

Trên sở mục tiêu Nghị quyết đề ra, tỉnh đang tập trung phát triển đột phá các ngành KTB theo thứ tự ưu tiên như: Phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; phát triển đô thị, DL biển và các loại hình dịch vụ biển; phát triển công nghiệp ven biển; phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy hải sản; kinh tế hàng hải... Trong đó, năng lượng là lĩnh vực đột phá, quan trọng trong mục tiêu phát triển KTB; tập trung phát triển hướng ra biển, xúc tiến đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển theo hướng công nghệ mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư Dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná giai đoạn 1 quy mô 1.500 MW; kiến nghị trung ương bổ sung thay thế nguồn điện hạt nhân quy mô 4.600 MW bằng điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), hướng đến hình thành Trung tâm điện lực Cà Ná quy mô 6.000 MW. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển. Khuyến khích hình thành, phát triển các doanh nghiệp lớn đầu tư các ngành KTB, đặc biệt là 6 nhóm ngành KTB được xác định trong Nghị quyết, nhất là các dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Cà Ná; điện gió ngoài khơi và trên biển; điện khí LNG; cảng cạn và Trung tâm Logictics, công nghiệp hóa chất... để tạo động lực cho phát triển KT-XH, nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các nội dung Nghị quyết đã đề ra.

Vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Thái Huy

Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, hình thành và khai thác hiệu quả tuyến DL Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa với các tuyến DL quốc gia, gắn với phát huy, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc, nhằm phát huy thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng để đưa DL biển Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 12-13% doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Tập trung phát triển đồng bộ giữa khai thác, nuôi trồng thủy sản hướng mạnh ra biển. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản trên đất liền đạt 500-600 ha, trên biển khoảng 1.000 ha; sản lượng khai thác đạt 110-150 nghìn tấn; sản xuất tôm giống đạt 41 tỷ con; giá trị gia tăng ngành thủy sản tăng đến 2-3%/năm. Hoàn thành đầu tư Cảng biển tổng hợp Cà Ná, hình thành Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics, từng bước hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ logistics; xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông, kết nố liên thông các cảng biển với các tuyến đường cao tốc, đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1, Quốc lộ 27. Đến năm 2025, kinh tế hàng hải chiếm khoảng 7-8% trong cơ cấu các ngành KTB...

Để khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế nêu trên, thời gian đến, cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển KTB trong phạm vi địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khu vực ven biển; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là các hạ tầng kết nối khu vực ven biển với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tăng cường hướng dẫn, huy động toàn dân chung sức bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai tại khu vực biển, ven biển. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, tuân thủ các quy định pháp luật trên vùng biển và ven biển của tỉnh.