Văn bản nêu rõ: Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giữ vững và phát triển diện tích rừng hiện có, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm cả về số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại. Mặc dù vậy, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại rừng…
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, chủ động ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng và khai thác rừng trái pháp luật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nội dung như sau:
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân địa phương hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định của pháp luật về lâm nghiệp; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng quá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 8733/CT-BNN-TCLN ngày 23/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023; Kế hoạch số 65-KH/TU ngày 10/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch số 4603/KH-UBND ngày 01/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 65-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy… và Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 25/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và truy quét chống phá rừng tỉnh Ninh Thuận năm 2023.
- Tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp; nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 về bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây phân tán… theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, đề án trọng điểm khác của ngành lâm nghiệp.
- Tiếp tục triển khai chặt chẽ, hiệu quả quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025; rà soát, tích hợp đầy đủ số liệu thông tin về rừng, đất rừng trong Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đảm bảo đồng bộ, thống nhất nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng, đất rừng trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực trọng điểm về cháy rừng; phân công trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp với Công an, Quân đội, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; khi xảy ra cháy rừng chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất rừng, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được lực lượng chức năng phát hiện và các cơ quan truyền thông phản ánh theo chức năng nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật đảm bảo tính răng đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
- Rà soát, bổ sung nguồn lực, đảm bảo chế độ chính sách, động viên kịp thời để lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách yên tâm công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng, nhất là lực lượng tại các chốt tuần tra bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
- Tham mưu, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm:
+ Tăng cường bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ngay từ địa bàn cơ sở, cũng như chủ động, tăng cường công tác tham mưu cho chính quyền các cấp để chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn.
+ Tập trung lực lượng, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ trong ngày tại các Hạt Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm địa bàn; kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng đặc biệt vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
+ Tập trung kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, nhất là những diện tích rừng mới trồng chưa thành rừng; sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, phù hợp với từng khu vực trọng điểm để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất khi cháy rừng mới xảy ra, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; theo dõi sát diễn biến thời tiết, kết hợp kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
+ Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội và các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạp pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
+ Quản lý chặt chẽ, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, nhất là sử dụng gỗ rừng tự nhiên; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước trên địa bàn.
2. Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng tổ chức lực lượng tăng cường chốt chặn, tuần tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật. Triển khai thực hiện nghiêm túc phương án và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là việc khuyến khích, động viên Nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng gắn với xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ rừng trong từng cộng đồng dân cư và chú trọng việc phát hiện, nêu gương điển hình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhằm tạo sức lan tỏa về nhận thức và hành động cho Nhân dân trên địa bàn. Theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Báo cáo ngay khi phát hiện cháy rừng về Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo số điện thoại: 02593.824263 (Phòng Quản lý, bảo vệ và Phát triển rừng) để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
3. Giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong khu vực quản lý; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu liên quan đến hành vi hủy hoại rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên trao đổi thông tin và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị phối hợp khi có cháy rừng xảy ra.
4. Giao các đơn vị chủ rừng:
- Tổ chức lực lượng, tập trung quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất rừng được nhà nước giao quản lý; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý; thực hiện nghiêm túc công tác trực 24/24 giờ trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực thường xuyên xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ tình hình dân di cư vào cư trú trái phép trong rừng; kịp thời phát hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Kiểm lâm, Công an hoặc các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp xử lý ngay từ đầu, không để vụ việc diễn biến phức tạp.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm, các cơ quan chức năng và tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư sống gần rừng tích cực tham gia bảo vệ rừng, thực hiện tốt cam kết bảo vệ rừng.
- Chủ động triển khai các giải pháp để quản lý bảo vệ, chăm sóc đối với diện tích rừng trồng, diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đang trong giai đoạn đầu tư đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện trồng rừng khắc phục đối với diện tích rừng bị phá; cương quyết không để các đối tượng vi phạm tiếp tục tái chiếm, sử dụng diện tích này.
5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở về vai trò, tầm quan trọng của việc trồng rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; các gương người tốt, việc tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của Nhân dân; phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất trong đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng để người dân biết, chủ động phòng ngừa.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết./.
NT