UBND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống Dịch vụ công tỉnh Ninh Thuận

Thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, UBND vừa ban hành Quyết định số 1925/QĐ-UBND ban hành danh mục DVCTT toàn trình và DVCTT một phần trên hệ thống Dịch vụ công tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, toàn tỉnh có 427 DVCTT toàn trình (trong đó cấp tỉnh: 338 DVCTT, cấp huyện: 68 DVCTT và cấp xã: 21 DVCTT); 703 DVCTT một phần (trong đó cấp tỉnh: 436 DVCTT, cấp huyện: 195 DVCTT và cấp xã: 72 DVCTT).

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công), Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện có hiệu quả việc cung cấp DVCTT toàn trình và DVCTT một phần theo danh sách được công bố; chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung danh sách DVCTT đủ điều kiện theo quy định và khi có sự thay đổi về thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc cấp quản lý về việc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời đề ra các giải pháp đẩy mạnh việc nộp hồ sơ trực tuyến. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh phù hợp…

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sử dụng DVCTT để xử lý hồ sơ công việc qua mạng. Ảnh: Văn Nỷ

Theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, cơ quan nhà nước cung cấp DVCTT theo 2 mức độ: DVCTT toàn trình và DVCTT một phần. Trong đó, DVCTT toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về TTHC, việc thực hiện và giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. DVCTT một phần là DVCTT không bảo đảm các điều kiện quy định tại dịch vụ công toàn trình.

Với các DVCTT cho phép tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên môi trường mạng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm triển khai áp dụng chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng cho các ứng dụng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu về chữ ký số trong quá trình thực hiện DVCTT; phát triển, sử dụng các biểu mẫu điện tử tương tác theo quy định. Ngoài ra, cơ quan nhà nước có trách nhiệm kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước khác để tự động điền các thông tin vào biểu mẫu điện tử và cắt giảm thành phần hồ sơ, bảo đảm nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT.

Sử dụng DVCTT, tổ chức, người dân và doanh nghiệp có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày với các cơ quan hành chính nhà nước tại bất cứ đâu, chỉ cần có kết nối internet. Nếu trước đây, muốn đăng ký TTHC phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Nay với phương thức DVCTT, mọi việc liên quan đến TTHC, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị.