Tín dụng chính sách góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,96%; hộ cận nghèo còn 5,49%. Đạt được kết quả trên, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp triển khai của ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương còn có sự đóng góp rất lớn của vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), giúp người dân có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Bà Hồ Thị Kiều Chinh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Xác định vốn tín dụng ưu đãi là công cụ hữu hiệu, thiết thực để thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, ngay từ đầu năm 2022, ngoài nguồn vốn phân bổ từ trung ương, chi nhánh tập trung đề ra các giải pháp huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ chức, cá nhân; chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND các cấp ưu tiên cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để đáp ứng ngày càng tốt hơn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời, để công tác xét duyệt cho vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh đã tăng cường chỉ đạo các phòng giao dịch tích cực phối hợp các huyện, thành phố; hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch xã thực hiện công khai các nội dung, chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nắm bắt kịp thời thông tin, tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất khi có nhu cầu.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) đầu tư phát triển sản xuất từ vốn vay Ngân hàng CSXH.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.946 tỷ đồng, tăng 412,3 tỷ đồng so với năm 2021; trong đó, vốn cân đối từ trung ương hơn 2.520 tỷ đồng; vốn huy động 339,1 tỷ đồng; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang 86,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, trong năm, toàn chi nhánh tổ chức giải ngân với doanh số cho vay đạt 1.008 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng được giao, tăng 254 tỷ đồng so với năm trước, với 27.651 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng ước đạt 2.935 tỷ đồng, tăng 409,5 tỷ đồng và gấp 2,11 lần so với năm 2021.

Theo kết qua kiểm tra, giám sát, hầu hết hộ vay vốn NHCSXH đều có chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, buôn bán. Điển hình như hộ Đạo Thị Xuân Anh, ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) thuộc diện hộ nghèo, năm 2018, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn và bình xét cho vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư mua 2 con bò, nhờ chịu khó chăm sóc, bò tăng lên thành 5 con. Từ việc chấp hành nghiêm túc việc trả lãi, nợ vay và nhận thấy phương án sản xuất có hiệu quả, ngân hàng tiếp tục cho chị vay thêm 80 triệu đồng để trồng 2 sào măng tây xanh, cho thu nhập hằng tháng khoảng 10 triệu đồng, đến nay gia đình chính thức thoát nghèo, trở thành hộ khá giả tại địa phương.

Không chỉ riêng chị Anh mà còn có hàng ngàn hộ nghèo khác trên địa bàn tỉnh bằng tinh thần chịu khó, cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của vốn NHCSXH đã vươn lên thoát nghèo.

Trong thời gian tới, bám sát kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, NHCSXH tiếp tục đề ra các giải pháp, trọng tâm là huy động tối đa các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hướng dòng vốn đầu tư vào các dự án, chương trình chuyển đổi cây trồng, mô hình sản xuất phù hợp; đảm bảo vốn được giải ngân 100% đến đối tượng thụ hưởng, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.