Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản

Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Qua đó, làm thay đổi nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản hiện nay đang quản lý 306 cơ sở SXKD thực phẩm. Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Chi cục thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đã làm thay đổi tư duy của các cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản trong tỉnh từ coi trọng về số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ sở đều đảm bảo thực hiện theo đúng quy định về nhà xưởng, con người, trang thiết bị, vận hành, truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.

Xác định làm tốt công tác tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản sẽ góp phần vào xây dựng nền nông nghiệp bền vững, Chi cục đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp tạo được chuyển biến tích cực. Thông qua các hoạt động thẩm định, thanh tra, kiểm tra, tập huấn, Chi cục đã tuyên truyền, phổ biến các quy định về sản xuất xanh, sạch, áp dụng những mô hình quản lý tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...) để đảm bảo hoạt động sản xuất của cơ sở bền vững, góp phần tạo ra thực phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Du khách tham quan sản phẩm OCOP của tỉnh tại HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp
Thái An (Ninh Hải). Ảnh: Phan Bình

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chi cục luôn tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng mô hình quản ký tiên tiến hướng tới mục tiêu xuất khẩu, đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản áp dụng tiêu chuẩn FSSC 22000 và ISO 22000; 1 cơ sở được chứng nhận HACCP; 31 cơ sở áp dụng HACCP và hơn 94 cơ sở áp dụng GMP. Các chương trình quản chất lượng tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm với tiêu chuẩn là đảm bảo thực phẩm sau khi chế biến an toàn, nâng cao giá trị sử dụng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đến nay, Chi cục đã xây dựng và duy trì hoạt động 9 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Nước mắm, nho tươi, táo tươi, bưởi da xanh Phước Bình, măng tây tươi, dưa lưới tươi.

Trong năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tổ chức thu 234 mẫu thực phẩm để kiểm tra về ATTP. Kết quả có 227 mẫu đạt yêu cầu, 7 mẫu không đạt yêu cầu về ATTP. Cụ thể, 3 mẫu nho tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; 1 mẫu ớt và 1 mẫu táo xanh phát hiện thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; 1 mẫu nước mắm có hàm lượng phụ gia thực phẩm Acesulfame kali vượt giới hạn tối đa cho phép; 1 mẫu chả lụa sử dụng phụ gia Natri benzoat không đúng đối tượng trong sản xuất chả lụa. Chi cục đã thông báo đến cơ sở có mẫu không đảm bảo ATTP, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo ATTP, điều tra nguyên nhân, khắc phục vi phạm; đồng thời, thông báo đến các đơn vị có liên quan, địa phương nơi có mẫu vi phạm để phối hợp trong công tác thẩm tra và tăng cường công tác quản lý. Đến nay, các cơ sở có mẫu vi phạm đã thực hiện tốt trong việc truy xuất nguồn gốc, báo cáo khắc phục, không có trường hợp nghiêm trọng phải chuyển hồ sơ để tiến hành thanh tra.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và đảm bảo ATTP, trong năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức về chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến nhiều đối tượng khác nhau, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân SXKD để hạn chế đến mức thấp nhất sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thực hiện quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến sản xuất chế biến để sản phẩm đầu ra luôn đảm bảo ATTP; xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng một cách quyết liệt và kịp thời. Đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giúp người SXKD nông sản thay đổi cách nghĩ, cách làm, liên kết sản xuất tăng giá trị sản phẩm; hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các kênh thông tin, tham gia hội chợ tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.