Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Tỉnh ủy đã ban hành 1 nghị quyết, 1 chương trình hành động và 3 chỉ thị; UBND tỉnh ban hành 2 chỉ thị, 12 quyết định, 7 kế hoạch và nhiều văn bản có liên quan. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, phương pháp dạy học theo hướng phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Bên cạnh thuận lợi, khi triển khai chương trình, tỉnh ta còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Một số cán bộ, giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới công tác quản lý, dạy học; thiếu biên chế giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mặc dù đã được trang bị nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu... Hiện nay, đa số các trường THPT chưa có giáo viên, trang thiết bị nên một số học sinh có nhu cầu chưa được học môn Âm nhạc, Mỹ thuật; giá SGK mới cao hơn so với sách cũ và cao hơn mức sống, thu nhập của người dân địa phương.
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh làm việc với UBND tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh sớm hoàn chỉnh báo cáo; tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá, phân tích sâu kỹ hơn thực trạng, khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp nhằm triển khai hiệu quả hơn các nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT kịp thời; UBND tỉnh sớm hoàn chỉnh báo cáo; đồng thời, ghi nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh để phản ánh, đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn giúp việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phù hợp, hiệu quả.
Lâm Anh