Vẫn còn nhiều công trình xây dựng thiếu đường tiếp cận cho người khuyết tật

Số người khuyết tật dạng nhẹ tại Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn, nhưng chưa được quan tâm, nên cần sớm có chính sách hỗ trợ, nhất là bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng chưa quan tâm đến công trình tiếp cận cho người khuyết tật.

Ngày 29/12 tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã họp triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Theo ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2022, ngân sách Nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật (NKT).

Đến nay, cả nước có trên 1,5 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Quang cảnh hội nghị của Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam.

Thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật và kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật đã bố trí các Bộ, ngành và tổ chức của người khuyết tật: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam 3,85 tỷ đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam 0,8 tỷ đồng, Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam 300 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là 350 triệu đồng...

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT, điển hình như: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 559 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn trên 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được hơn 7,5 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật quy ra tiền). Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp: hỗ trợ chăm sóc, điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ trợ giúp khác cho NKT, tặng xe đạp và học bổng, trợ giúp tìm việc làm, xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận; hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh hợp quy chuẩn quốc gia, trợ cấp thường xuyên, thăm hỏi, tặng quà, dạy nghề, hỗ trợ vật nuôi cho hộ gia đình có NKT....

Bên cạnh kết quả đạt được, các ý kiến từ các hội cơ sở cho rằng việc tiếp cận với các công trình xây dựng còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam cho biết: Công trình hỗ trợ người khuyết tật mới chỉ có ở các công trình cao cấp. Còn tại các trụ sở uỷ ban vẫn khó khăn.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Mới đây, Hội có khảo sát đường lên xuống cho xe lăn ở cả 3 cấp chính quyền cho thấy ở cấp tỉnh chỉ có khoảng 50% có đường xe lăn; cấp huyện là 40%, còn cấp xã thì rất ít.

“Nhưng đáng buồn nhất là các công trình xây dựng mới không có đường tiếp cận cho người khuyết tật. Việc tiếp cận nguồn lực cho người khuyết tật còn khó khăn. Trong số 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng chỉ có hơn 1,5 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng là có chính sách hỗ trợ. Số còn lại chưa được quan tâm nên Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này, nhất là cấp thẻ BHYT”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng: Việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Trong năm 2023, các Bộ ngành tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT; văn bản hướng dẫn giáo dục nghề nghiệp đối với NKT; Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến NKT trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi); chú trọng tham vấn ý kiến NKT và các tổ chức của NKT để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Theo TTXVN/Báo Tin tức